Mạng xã hội được xem là phương tiện ra không ít những lợi ích và thú vị cho người sử dụng. Tuy nhiên, đằng sau bức tranh tuyệt vời ấy, thông tin cá nhân của người dùng được xem là “miếng mồi” béo bở của không ít những công ty ngầm nhằm trục lợi cá nhân. Vậy nên, bảo mật thông tin trên mạng xã hội được xem là cách “giữ mình” trước những hiểm hoạ ngoài ý muốn mà mạng xã hội vô tình mang đến.
Vụ bê bối Cambridge Analytica từ chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2016
Sáng thứ 7 vừa qua (17/3/2018) tại Mỹ, theo báo cáo của 2 tờ The Guardian và The New York Times, Cambridge Analytica và Facebook vừa vướng vào một cáo buộc về việc sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân đến từ 50 triệu người dùng trong chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2016 của Donald Trump.
Cambridge Analytica là một công ty lưu trữ dữ liệu cấp quốc gia được thành lập vào năm 2013 và là chi nhánh của tập đoàn đến từ Anh mang tên SCL Group. Công ty này có mối quan hệ mật thiết với Steve Bannon – cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng và Robert Murcer – mạnh thường quân khổng lồ của Đảng Cộng hoà.
Xét trên phương diện những cuộc bầu cử mang tính chính trị tại Mỹ, Cambridge Analytica có nhiệm vụ lấy dữ liệu từ một số nguồn mà chủ yếu là từ mạng xã hội, hồ sơ công cộng, dữ liệu chi tiêu, tiêu dùng và sử dụng những thông tin này để dự đoán hành vi bỏ phiếu. Nghĩa là, Cambridge Analytica có phần nào đó tác động đến kết quả của cuộc bỏ phiếu thông qua hành vi trên.
Và vụ bê bối liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin này dính dáng trực tiếp đến thuật toán của Facebook – một trong những mạng xã hội có số lượng người dùng cao nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại. Trước tiên, thông qua Facebook, Cambridge Analytica hợp tác cùng Aleksandr Kogan – người sáng lập của công ty Global Science Research (GSR) cùng cho ra mắt ứng dụng “thisisyourdigitalife”. Bằng cách sử dụng ứng dụng này trên Facebook, người dùng tưởng rằng họ chỉ đơn giản đang tham gia vào một bài kiểm tra trực tuyến nào đó không hơn không kém. Tuy nhiên, trên thực tế, chính khi bạn cho phép bên thứ 3 truy cập bằng tài khoản Facebook của mình là lúc bạn cho phép ứng dụng được phép truy cập vào dữ liệu về nơi bạn sinh sống, danh sách bạn bè và cả những sở thích của bạn. Cuối cùng, những dữ liệu cá nhân này được sử dụng cho các mục đích chính trị mà bản thân người dùng không hề hay biết.
Facebook đã đưa ra rất nhiều câu trả lời trong rắc rối lần này. Trong khi các nhà lập pháp Anh đang điều tra Cambridge Analytica về vai trò của công ty này trong chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2016 ở Mỹ, thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp bang Massachusetts – bà Maura Healey tuyên bố văn phòng của bà đang mở một cuộc điều tra đối với cả Facebook lẫn Cambridge Analytica.
Đã đến lúc bảo mật thông tin để bảo vệ chính mình và bạn bè
Không chỉ Facebook mà bất kỳ một mạng xã hội nào đều luôn tiềm ẩn lỗ hổng trong hệ thống bảo mật thông tin, việc thông tin cá nhân bị đánh cắp và sử dụng trái phép vào những mục đích nhằm trục lợi cho một cá nhân hay tổ chức nào đó. Mạng xã hội là nơi giúp chúng ta cập nhật nhanh nhất những thông tin, xu hướng mới nhất của thế giới, là phương thức giữ liên lạc đơn giản nhất giữa bạn với bạn bè và người thân của mình. Tuy nhiên, những thuật toán của Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung đang dần thao túng và kiểm soát dữ liệu cá nhân không chỉ từ bạn mà còn từ bạn bè và người thân của mình. Chính vì vậy, đã đến lúc bạn ý thức hơn trong việc bảo mật thông tin cá nhân của bản thân.
Mỗi tấm ảnh bạn đăng tải trên mạng xã hội đều là công cụ giúp người phát triển ứng dụng nhận dạng khuôn mặt bạn đồng thời thu thập cả thói quen giao tiếp được bạn viết ở dòng trạng thái. Bằng những thuật toán kiểm tra chéo, các mạng xã hội dễ dàng xây dựng được tập thông tin về thói quen và hành vi người dùng, từ đó giới thiệu đến bạn những thông tin quảng cáo nằm trong phạm vi mà bạn quan tâm.
Chưa kể, những đường link chứa nội dung không rõ ràng hay một bài kiểm tra đơn thuần mang tính giải trí nào đấy đều tiềm ẩn nguy cơ tiết lộ thông tin cá nhân bạn bè của bạn nếu được bạn chia sẻ trên trang cá nhân của chính mình. Điều này nghĩa là, việc bạn chia sẻ một ứng dụng vừa chơi thông qua một mạng xã hội đồng nghĩa với việc bạn vừa mở ra cơ hội cho bên thứ 3 được phép truy cập vào dữ liệu cá nhân của bạn và những người nằm trong danh sách bạn bè của bạn. Điều này chứng tỏ việc thiếu hiểu biết về các thuật toán dẫn đến sự thiếu trách nhiệm trong việc quản lý các thông tin mà bạn chia sẻ và cuối cùng, chúng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến rất nhiều người khác.
Nếu có ý định xoá tài khoản Facebook, hãy nhớ…
1. Sao lưu dữ liệu
Nếu bạn đã có quyết tâm thanh lọc Facebook ra khỏi cuộc sống của mình, hãy bắt đầu bằng việc sao lưu dữ liệu từ tài khoản Facebook của mình. Bạn mở mục Cài đặt (Setting) trong tài khoản Facebook của mình và chọn Chung (General). Tại đây, bạn sẽ nhìn thấy một đường link dùng để tải về toàn bộ dữ liệu hiện có trên tài khoản Facebook của bạn.
Nếu bạn tò mò những thông tin cá nhân của bạn mà Facebook đã thu thập, hãy vào đây. Nơi này lưu trữ lại hầu hết những thông tin cơ bản về bạn, những dòng trạng thái và hình ảnh bạn đã đăng tải. Tuy nhiên, nó không hiển thị tất cả những gì Facebook thu thập từ bạn. Bạn sẽ không biết được rằng mạng xã hội này cũng sẽ lưu trữ những liên kết chính trị, địa chỉ IP và cả những tìm kiếm liên quan của bạn.
2. Lên kế hoạch sắp xếp các kỉ niệm
Nếu bạn là fan của ứng dụng “Ngày này năm xưa” (On this day) thì bạn hoàn toàn có thể tự thực hiện một bảng kỉ niệm mà không cần đến Facebook. Sau khi tải dữ liệu về, bạn sẽ có một thư mục chứa tất cả những hình ảnh và video đã từng đăng. Việc dành thời gian để sắp xếp lại chúng tuy có thể sẽ rất nhàm chán và mất thời gian nhưng là cách để bạn hệ thống lại quãng thời gian đã qua, giúp bạn dễ dàng tìm kiếm lại những tấm ảnh cũ đã ghi lại một sự kiện đáng nhớ nào đấy.
3. Kiểm tra tất cả những bên thứ 3 mà bạn đã đăng nhập thông qua Facebook
Chắc chắn không ai có thể kiểm soát được họ đã từng dùng tài khoản Facebook để truy cập bao nhiêu trang khác (Log in with Facebook). Tuy nhiên, có một cách để bạn quản lý những ứng dụng đã đăng nhập bằng Facebook.
Bạn mở mục Cài đặt (Setting) trong tài khoản Facebook của mình và chọn Ứng dụng (Apps) rồi nhấp vào Đã đăng nhập bằng Facebook (Logged in with Facebook) và bắt đầu thiết lập cách đăng nhập mới cho các ứng dụng trước khi xoá tài khoản Facebook.
4. Giữ liên lạc với bạn bè và người thân
Trên thực tế, không ít người chọn cách giữ lien lạc với bạn bè và người thân qua Facebook. Vậy nếu bạn đang có ý định xoá tài khoản Facebook, bạn sẽ không còn cách nào khác để giữ liên lạc với họ? Không đúng! Trước khi “chia tay” với Facebook, bạn hãy dành thời gian để tổng hợp thông tin bao gồm địa chỉ và số điện thoại những người bạn thật sự muốn giữ liên lạc. Đừng quên thông báo cho họ biết việc bạn sẽ ngưng sử dụng Facebook.
5. Bạn sẽ cần đến một cuốn nhật ký
Trước khi biến mất khỏi Facebook, bạn cần viết lại sinh nhật của những người mà bạn quan tâm. Bạn sẽ không còn bị quấy rầy bởi những thông báo sinh nhật của những người mà bạn thậm chí còn không hề biết họ là ai trong danh sách bạn bè khổng lồ của mình.
Nếu bạn thuộc típ người thích chia sẻ mỗi ngày của mình đến mọi người, bạn có thể chọn cách viết lại chúng như những bài blog trên một website do mình tự thiết kế. Những người hướng nội có thể chọn viết chúng vào một cuốn nhật ký. Việc viết nhật ký tuy có thể nhàm chán nhưng sẽ rất thú vị khi về già, bạn được đọc lại những dòng chữ của một tuổi trẻ huy hoàng.
6. Hãy nhớ xoá tài khoản không có nghĩa là vô hiệu hoá tài khoản
Nếu bạn thật sự muốn “chia tay” với Facebook, bạn cần chắc chắn rằng việc bạn đang làm là xoá tài khoản chứ không phải là vô hiệu hoá tài khoản. Hai việc này tưởng chừng là giống nhau nhưng chúng hoàn toàn khác nhau. Vô hiệu hoá tài khoản nghĩa là bạn vẫn có cơ hội quay lại mạng xã hội này và toàn bộ hồ sơ dữ liệu của bạn đều được lưu giữ và hiển thị với danh sách bạn bè. Để xoá vĩnh viễn tài khoản của mình, bạn chỉ cần vào đây. Bạn có thể yêu cầu chấm dứt vĩnh viễn tài khoản của mình, nghĩa là bạn không thể lấy lại được quyền truy cập vào tài khoản đó và dữ liệu của bạn sẽ bị xóa bởi Facebook trong khoảng thời gian là 90 ngày.
Nếu bạn thật sự lo lắng về các thuật toán đánh cắp dữ liệu cá nhân nhằm mục đích trục lợi bất chính, có lẽ đã đến lúc bạn cần sáng suốt trong việc quyết định lựa chọn tham gia hay không tham gia vào một trang mạng xã hội nào đấy và ý thức hơn trong việc quản lý những thông tin được chia sẻ từ chính bản thân mình. Bảo mật thông tin trên mạng xã hội chưa bao giờ là câu chuyện dư thừa!
Xem thêm:
Facebook lại “lao đao” vì bê bối để lộ hàng triệu thông tin người dùng
7 ngày cai nghiện Facebook: Tại sao không thử?
—
Bài viết: HÂN (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man, Tham khảo: Mashable, The Guardian, The New York Times)