Mọi thứ dường như sẽ vượt tầm kiểm soát của lý trí, của sức chịu đựng tinh thần và sự tha thứ hiển nhiên trở thành một tảng đá lớn mà chúng ta khó lòng vượt được. Tuy nhiên, có hai điều mà dù đối mặt với hành vi tồi tệ ra sao, chúng ta vẫn phải cố mà bám, mà giữ lấy nó vì đó là cơ hội duy nhất giúp ta cắt bỏ sợi dây cảm xúc đang căng lên hàng giây và đạt được sự tha thứ dễ dàng nhất.
Điều đầu tiên, chúng ta phải nhớ rằng đối phương từ đâu mà đi đến những xấu xí trong lời nới, những bốc đồng hay ngờ nghệch trong hành động. Có một điều rằng, mỗi lỗi lầm tương tự lặp đi lặp lại ở một người luôn có cả quá trình đằng sau nó. Họ trở nên như thế hoặc giả có những cư xử khiến ta không thuận mắt, không vừa ý chính bởi những thiếu sót hay thói xấu bồi tích dần trong cuộc sống mà họ vô tình chẳng hề biết đến. Con người họ được tạo hình bởi những rắc rối xoay quanh nhưng họ chẳng thể nhìn ra, duy chỉ chúng ta – người dành thời gian dài ở bên cạnh và ý thức rõ sự tồn tại những khiếm khuyết nơi đối phương.
Một kẻ kiêu ngạo dễ dàng sống trong một môi trường “được quy cho” là khiêm tốn sẽ cảm thấy bị chà đạp bởi chính những giá trị khiêm tốn. Về phía các cá nhân mang tư tưởng hà khắc và thích chỉ trích (ở khía cạnh nào đó tính cách này đang lớn dần lên) dành nhiều thời gian bên cạnh những người tương tự sẽ biến họ trở nên lỗ mãng trong chính hành vi và quyết định của bản thân. Ở phía khác, những người quá rụt rè, nhút nhát lại trở nên dễ kinh sợ trước mọi thứ, họ thu mình và từ chối đưa ra ý kiến cá nhân. Và những người thích phô trương lại học ở kẻ rụt rè cách hành xử nương theo người khác nhằm mục đích dễ dàng chiều lòng tất cả mọi người.
Đằng sau mọi lỗi lầm, đằng sau tất cả hành động khiến ta phát điên về bất cứ ai chúng ta gặp luôn là sự chi phối bởi những tổn thương tinh thần hay những thói quen vô hình được xây dựng trong quá trình trưởng thành trước khi có ai đến bù đắp và sửa những lỗi sai ấy. Họ có thể cư xử không đúng nhưng chúng ta phải hiểu đôi khi điều đó được bộc phát một cách bản năng và cả chính họ cũng chẳng nhận thức về những tổn thương gây ra cho người khác. Hiểu rõ những ngọn nguồn tính cách và hành vi tồi tệ, sự xấu xa trong mỗi người ta sẽ dễ đi đến sự tha thứ hơn hẳn. Hãy có một tấm lưng vững và một gương mặt dịu dàng. Nó là thứ cần thiết cho mỗi người. Chúng ta cần một sức mạnh từ phía sau để có sự bình tĩnh, suy xét thấu đáo trong mọi xung đột và chúng ta cần một bộ mặt dịu dàng để chấp nhận đối phương như chính bản chất của họ, chấp nhận những sai lầm và tha thứ bằng một trái tim không đề phòng hay nghi kị.
Điều thứ hai là chính chúng ta, đó có thể là những khó khăn, những điều xấu xí từ phía chính bản thân ta. Nó tồn tại trong khoảng không gian quá khứ mà ta quên đi ngay khi vừa chu du qua nó. Chúng ta cũng là người không hoàn hảo, là một cá nhân tồn đọng vấn đề của riêng mình. Chúng ta đã từng bị phản bội, đã từng là kẻ hèn nhát, cũng từng quên đi đặc quyền của bản thân hay từng thiếu suy nghĩ mà xát muối lên vết thương người khác bằng chính lời nói xấu xí và hành động thiếu suy nghĩ. Mọi thứ đều mang tính tương đối, cả chúng ta và cả đối phương, đối phương sai và chúng ta cũng từng hoặc đang sai. Chúng ta hãy học cách tha thứ, có thể không phải bây giờ, không phải lúc này nhưng một ngày nào đó, ở một lúc nào đó, chúng ta thật sự cần phải tha thứ.
Hãy nhớ rằng trong thời điểm của quá khứ chúng ta đã từng ngước lên trời và cầu mong sự tha thứ từ ai đó. Việc làm ấy đã đôi phần ít dần đi trong cuộc sống thường nhật nhưng không có nghĩa nó dập tắt đi tính cần thiết. Chúng ta sẽ “khởi động” lại nó khi chúng ta thốt ra hai chữ “xin lỗi” hoặc giả quá khó, ta hãy kéo căng suy nghĩ một cách đầy nhân văn để phát âm ra con chữ ấy trước khi phải đi đến lời nói có phần khó khăn và gian khổ hơn “Tôi tha thứ cho bạn”. Trong khu vườn của cảm xúc, ngay từ bây giờ hãy gieo cho mình hạt giống “tha thứ”, nó sẽ là bóng mát lý tưởng trong chúng ta, mang sứ mệnh xoa dịu và hàn gắn trong một khoảnh khắc u tối nào đó giữa những cãi vã, xung đột.
—
Lược dịch: Vương Tuyền (Nguồn: huffingtonpost)