Stephen Hawking (tên đầy đủ là Stephen William Hawking) là một nhà vật lý lý thuyết, vũ trụ học, tác giả viết sách khoa học thường thức người Anh, hiện là Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Vũ trụ học lý thuyết thuộc Đại học Cambridge. Mặc dù chịu đựng và chống chọi căn bệnh xơ cứng teo cơ và thoái hóa thần kinh hiếm hoi đe dọa đến mạng sống, nhưng ông vẫn có những đóng góp đáng kể cho khoa học, bao gồm cả dự đoán cách mạng về các hố đen.
Vào rạng sáng ngày 14/3/2018, ông đã ra đi sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh, khiến cả giới khoa học nói riêng và cả thế giới nói chung bàng hoàng và tiếc nuối. Hãy cùng ELLE Man nhìn lại cuộc đời và những thành tựu ông đem lại cho nhân loại qua loạt ảnh dưới đây.
Giáo sư Stephen Hawking chào đời ngày 8/1/1942 ở Oxford, ông là con lớn nhất của bốn đứa con trong gia đình. Gia đình ông chuyển đến từ London nhằm tránh những cuộc ném bom bởi không quân Đức hồi Thế chiến thứ 2. Cha ông là một nhà nghiên cứu y khoa và mẹ là một trong những nữ sinh đầu tiên tốt nghiệp đại học Oxford, cả hai đều tốt nghiệp trường Oxford, sau đó đến lượt ông cũng lấy tấm bằng vật lý ở ngôi trường này. Rời Oxford, ông vào Đại học Cambridge để chuyên tâm nghiên cứu cao hơn về khoa học vũ trụ.
Trong khi cha ông muốn ông nghiên cứu y học, ông quyết định theo đuổi toán học. Chính điều này đã giúp Stephen Hawking giữ chức vụ giáo sư toán học Lucasian tại khoa toán ứng dụng và vật lý lý thuyết tại Đại học Cambridge từ năm 1979 đến năm 2009.
Ngay sau khi gia nhập đại học, ở độ tuổi 21, ông bắt đầu phát triển các triệu chứng cho ALS – một căn bệnh thoái hóa thần kinh, làm ngừng các dây thần kinh kiểm soát cơ, dẫn đến khó khăn trong việc di chuyển, ăn uống và hô hấp. Từ đây cuộc đời ông gắn liền với xe lăn và các bác sĩ cho rằng ông chỉ sống được hai đến ba năm.
Năm 1965 ông kết hôn với Jane Wilde – người vợ đầu tiên và có với nhau 3 người con. Tuy nhiên, hai vợ chồng ly thân vào năm 1990 và ly dị vào năm 1995.
Lấy cảm hứng từ định lý của Penrose về điểm dị biệt thời gian và không gian, ông đã viết một luận văn vào năm 1965 bằng cách áp dụng khái niệm về toàn bộ vũ trụ. Và với luận văn này, Hawking tốt nghiệp tiến sĩ. Bài viết “Sự riêng biệt và hình dạng của không gian – thời gian” cũng đã giúp ông chiến thắng giải Adams Prize năm 1966.
Năm 1968, ông trở thành thành viên của Viện Thiên văn học ở Cambridge. Ông bắt đầu nghiên cứu hiện tượng lỗ đen và đưa ra giả thuyết về cái được gọi là định luật thứ hai của động lực học về hố đen.
Năm 1971, bài viết “Những hố đen” của ông giành giải của Tổ chức nghiên cứu về lực hấp dẫn.
Năm 1974, Hawking đã đưa ra một nhận định khoa học rất lớn rằng lỗ đen không phải là chân không thông tin như các nhà khoa học đã đưa ra trước đó. Ông đã chứng minh làm thế nào bức xạ có thể thoát khỏi lực hấp dẫn, lý thuyết bây giờ được gọi là bức xạ Hawking. Cùng năm đó, ông trở thành Ủy viên Hội Hoàng gia.
Năm 1975, ông được Đức Giáo Hoàng Phaolo VI trao tặng huân chương vàng Pius XI vì những đóng góp cho khoa học.
Năm 1979, ông được bổ nhiệm làm Giáo sư Toán học Lucasian tại Đại học Cambridge. Với thời gian, tình trạng sức khoẻ của ông càng xấu đi và ông không thể tự ăn và mất quyền kiểm soát giọng nói của mình.
Năm 1982, ông được nhận giải Người chỉ huy mệnh lệnh của đế chế Anh, một cấp bậc về tinh thần hiệp sĩ.
Sau khi phẫu thuật cắt bỏ khí quản vào năm 1985, Stephen Hawking đã mất giọng nói hoàn toàn. Một chương trình lập trình máy tính ở California được tạo ra để đáp ứng nhu cầu của ông, nó có thể tương tác trực tiếp thông qua chuyển động bằng đầu hoặc mắt của ông.
Năm 1988, Stephen Hawking xuất bản “Lịch sử thời gian”, một cuốn sách giới thiệu về cơ học lượng tử chuỗi lý thuyết, lý thuyết về vụ nổ lớn theo lối hiện đại để có thể đến với công chúng hiện đại hơn. Cuốn sách đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất, bán được hơn 10 triệu bản trong 20 năm.
Năm 1993, cho ra đời một bộ sưu tập sách xuất bản với những bài viết của ông, có tên là “Hố đen, tiểu vũ trụ và những bài luận khác”. Nó chứa các chủ đề như nhiệt động lực học lỗ đen và cơ học lượng tử.
Năm 1995, Stephen Hawking kết hôn với người vợ hai là y tá Elaine Mason. Cuộc hôn nhân này kéo dài trong 11 năm và cặp vợ chồng ly dị vào năm 2006.
Năm 1999 Hawking nhận Giải Julius Edgar Lilienfeld của Hội Vật lý Hoa Kỳ.
Năm 2001, Stephen Hawking cho ra đời quyển sách “Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ”, cuốn sách này đã giành giải thưởng Aventis cho những sách về khoa học.
Tham gia một chuyến du lịch trong một khinh khí cầu vào sinh nhật 60 tuổi của mình, vào ngày 4 tháng 3 năm 2002.
Trong năm 2007, Stephen Hawking tham gia chuyến bay không trọng lực trong chiếc Boeing 747, cất cánh từ Trung tâm Không gian Kennedy ở Hoa Kỳ và thậm chí thực hiện vài cú nhào lộn.
Giáo Hoàng Benedict XVI chào đón Hawking trong một buổi gặp gỡ đặc biệt dành cho các nhà khoa học tại Vatican trong tháng 10/2008.
Stephen Hawking nhận được Huân chương Tự do của Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng vào ngày 12 tháng 8 năm 2009.
Năm 2010, ông đồng sáng tác cuốn sách có tựa đề “Bản thiết kế vĩ đại” với Leonard Mlodinow. Stephen Hawking nói rằng: “Không cần thiết phải cần đến Chúa để giải thích cho sự hình thành của vũ trụ đang tồn tại này”.
Ông phát biểu trong buổi lễ khai mạc Paralympic 2012 tại London.
Năm 2014, bộ phim “The Theory of Everything” (Tựa Việt: “Thuyết yêu thương”) được trình chiếu dựa trên cuốn sách “Travelling to Infinity: My Life with Stephen”, được viết bởi người vợ đầu của Hawking là Jane Hawking. Bộ phim có sự tham gia của Eddie Redmayne (trong vai Stephen Hawking), nam diễn viên từng đoạt giải Oscar, giải Quả Cầu Vàng và giải BAFTA.
Stephen Hawking gặp Nữ hoàng Anh Elizabeth II tại sự kiện từ thiện dành cho người khuyết tật Leonard Cheshire, được tổ chức ở cung điện St James (Anh), năm 2014.
Stephen Hawking đã nhận được nhiều giải thưởng, bao gồm Huân chương Copley (2006), giải thưởng biên giới của BBVA Foundation (2015).
Năm 2015, Stephen Hawking cùng với vợ đầu tiên, con gái Lucy và diễn viên Eddie Redmayne dự lễ trao Giải BAFTA lần thứ 68 diễn ra tại Royal Opera House, London (Anh) với tác phẩm phim của bà Jane Hawking.
Hawking đã nhận được bằng tiến sĩ danh dự của Imperial College London vào tháng 7 năm 2017. Ông nói: “Tôi luôn cảm thấy có mối quan hệ sâu sắc với Imperial. Tôi cảm thấy rất vinh dự”.
Rạng sáng ngày 14/3/2018, Stephen Hawking qua đời ở tuổi 76. Trong cơn tiếc thương vô hạn vì sự ra đi của cha, các con của ông là Lucy, Robert và Timothy, đã chia sẻ rằng: “Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin rằng người cha đáng kính của chúng tôi đã ra đi vào hôm nay. Ông là nhà khoa học lỗi lạc và là nhân vật xuất chúng với những công trình và di sản sống mãi trong nhiều năm. Cùng với sự sáng tạo và tính hài hước của ông đã truyền cảm hứng cho mọi người trên khắp thế giới. Chúng ta sẽ nhớ ông ấy mãi mãi”.
Xem thêm:
Thiên tài vật lý Stephen Hawking “ra đi” ở tuổi 76
Hubert de Givenchy, vĩnh biệt một huyền thoại lớn của thời trang Pháp
—
Ngân Lại (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man, nguồn tham khảo: msn, The Guardian, Wikipedia)