Cuộc trò chuyện với ELLE MAN hôm ấy, bên cạnh Thanh Bùi còn có biên đạo Alexander Tú, nhà sản xuất – DJ Chi Thanh, biên đạo Tony Trần và Charles Nguyễn (thành viên những nhóm nhảy nổi tiếng thế giới như Kinjaz, Jabbawockeez, Poreotic, KM Legacy,… từng đạt được thành tích trong các cuộc thi America’s Best Dance Crew).
Hơn 4 năm trước, lúc Soul Music & Performing Arts Academy (SMPAA) chưa được biết đến rộng rãi, câu chuyện Thanh chia sẻ với tôi khi ấy là giấc mơ về môi trường dạy nhạc lấy việc truyền cảm hứng cho người học làm cốt lõi hơn là chạy đua với thành tích, với danh hiệu. Thanh đủ tỉnh táo khước từ những ồn ào, huyên náo từ truyền hình thực tế để lùi lại phía sau, vun những hạt mầm và giấc mộng lớn. Quan trọng hơn, bên cạnh Thanh hiện tại còn có những người bạn đồng chí hướng.
Hội ngộ và gắn kết
Năm chàng trai ấy, từ những ngẫu nhiên và tình cờ, gắn bó với nhau vì giấc mơ chung: mang âm nhạc thế giới về Việt Nam và mang nhạc Việt ra thế giới. “Năm 2008, tôi và anh Chi Thanh cùng viết nhạc cho album của Jimi Blue mà không biết nhau. Ba năm trước, chúng tôi gặp nhau ở Berlin, nói về album và giật mình: ‘Ồ, hóa ra bạn là Thanh Bùi, bạn là Chi Thanh’. Quả thực đó là cái duyên. Trước đó, tôi cảm nhận chỉ có một mình theo đuổi con đường này. Anh Chi Thanh cũng nghĩ là có mình ảnh. Rồi gặp nhau, thế là thành anh em luôn. Một điều trùng hợp nữa là, Soul đang phụ trách học bổng mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ba anh Chi Thanh ngày xưa lại từng là bạn thân của ông Trịnh. Hóa ra, con cháu tụ với nhau trong một vòng tròn hết.
Cái duyên với Alex Tú còn lạ nữa. Hai năm trước, tôi gặp anh ấy trong show Duyên dáng Việt Nam, nhìn anh hướng dẫn cho bé Ngọc Duy, tôi đâm mê cách dạy đằm thắm, đầy chất lửa của anh. Hồi đó, anh Alex vẫn bay đi bay về, mục đích chủ yếu là du lịch. Tôi ngỏ lời: ‘Thôi, anh về Việt Nam luôn đi. Không biết thuyết phục thế nào mà ảnh gác hết sự nghiệp bên Mỹ, bắt đầu xây dựng khoa vũ đạo (biểu diễn nghệ thuật) ở SMPAA (cười lớn). Cả nhà tôi là dân tị nạn, tôi sống ở Úc từ lúc lọt lòng nên hình ảnh về Việt Nam không đẹp trong suy nghĩ. Hồi tôi quyết định về Việt Nam, ba mẹ đều ngăn. Ba mẹ hỏi, mọi người ở Việt Nam nếu có cơ hội đều tìm đường ra nước ngoài, sao con lại về? Quả tình tôi có hơi bị thuyết phục một chút nhưng lại nghĩ, ít nhất cũng nên tìm hiểu. Sau khi xem phần biên đạo của anh Alex, tôi càng thêm thôi thúc. Bây giờ, tôi tìm thấy ở đây tất cả, tình yêu, sự nghiệp, cuộc đời mình. Tony và Charles là bạn của Alex trước đó, cứ thế chúng tôi trở thành bạn bè, anh em của nhau. Tôi phải kéo các anh, các bạn ấy về theo” – Thanh Bùi chia sẻ về cơ duyên gặp gỡ với bốn người bạn.
Gắn bó với SMPAA từ những ngày đầu thành lập, khát vọng của Alex Tú là đưa dance thành môn độc lập, thoát khỏi suy nghĩ minh họa cho bài hát. “Tôi thấy dancer ở Việt Nam không có được sự tôn trọng đúng mức, cát-sê giữa ca sĩ và dancer không cân đối dù công sức lao động của họ không hề kém cạnh”. Và, Alexander Tú trong vai trò giảng viên tại SMPAA, tạm gác tấm bằng của một bác sĩ, thạc sĩ Vật lý trị liệu, từng bước nỗ lực mang những chứng chỉ quốc tế của môn học này về Việt Nam. “Điều mà Tony, Alex, Charles và cộng đồng dancers mong muốn nhất là truyền cảm hứng đến mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ và các bậc phụ huynh tin rằng ance cũng là một bộ môn nghệ thuật biểu diễn có sức ảnh hưởng toàn cầu và có thể mở ra con đường nghề nghiệp chuyên môn mang tầm quốc tế” -ony Trần chia sẻ.
Một trong những thói xấu của người Việt là tính đố kỵ nên rất khó làm việc tập thể với nhau, chưa kể người làm nghệ thuật cái Tôi thường rất lớn, trong khi làng giải trí Việt quá eo sèo với những câu chuyện đời tư trên mặt báo thay vì các dự án, sản phẩm nghề nghiệp. Nhưng, năm người bạn ấy đã bước qua tất cả. Họ cùng nhau chia sẻ đam mê và mộng ước, cùng nhau làm việc và nỗ lực. Họ ngồi bên nhau. Những tiếng cười giòn giã, những khoảng lắng cần thiết. Để thêm lần nữa, họ hiểu và gắn kết với nhau hơn cho hành trình rất dài ở phía trước.
Nối vòng tay lớn
Thanh Bùi cho biết: “Muốn thế giới lắng nghe nhạc của mình, trước hết phải nói bằng ngôn ngữ của họ đã, rồi sau đó mới có thể truyền những ý đồ riêng, chất riêng của nhạc Việt. Tôi nhận ra rằng, âm nhạc của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy là món trang sức quý giá bị lãng quên hoặc chưa được trọng dụng”. Alexander Tú và nhóm The Lyricist đã vượt qua hàng ngàn thí sinh dự thi từ khắp nơi trên thế giới, trở thành một trong những đại diện xuất sắc nhất, và là đại diện Việt Nam đầu tiên tham dự chương trình Dance Proms tại nhà hát uy tín và lâu đời nhất nước Anh – Royal Albert Hall tại London vào tháng 10 này để trình diễn Diễm xưa được phối khí hoàn toàn mới.
Thú thật, là một người yêu nhạc Trịnh và cũng đã từng chứng kiến không ít tác phẩm văn học nghệ thuật mượn danh làm mới cái cũ mà thực ra là phá nát tác phẩm gốc, người viết nghi ngại nhiều hơn là tin tưởng khi nghe chia sẻ này của Alexander Tú. Cho đến khi xem anh và vũ đoàn trình diễn, tin rằng không chỉ tôi mà đại diện gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và rất nhiều khán thính giả đều bị thuyết phục hoàn toàn. Cái mới luôn cần được mở lòng đón nhận, cái cũ cần được làm mới bằng trí tuệ và đam mê để đến gần hơn với giới trẻ. Giá trị thuần Việt cần được chuyển tải bằng một ngôn ngữ khác để chạm vào trái tim của người nước ngoài, trong một sân chơi trẻ trung, nhiều màu sắc, có tính cạnh tranh thay vì chỉ là những sân khấu mang tính chất giao lưu.
“Khi nghe Alex chia sẻ về dự án, Charles cũng hơi bất ngờ, sau đó Charles hiểu hơn về những tâm huyết của Alex khi anh muốn kết hợp những giá trị quốc tế và văn hóa Việt Nam để mang hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Thực sự Charles bị thuyết phục nên đã quyết định về Việt Nam. Charles rất muốn bạn bè thế giới biết nhiều hơn về Việt Nam, không chỉ về chiến tranh Việt Nam, mà còn qua những nét đẹp về thiên nhiên hùng vĩ, con người gần gũi và văn hóa rất đặc trưng” – Charles bày tỏ.
“Hành trình sắp tới của chúng tôi ư? Hiện tại chưa có gì nhiều để nói vì sáng tạo thì cần cảm hứng và cả sự đầu tư. Nhưng chắc chắn, chúng tôi sẽ tiếp tục nắm tay thêm nhiều người nữa để cùng đi trên con đường này”, Thanh Bùi chia sẻ. Anh nói thêm: “Tuổi chúng tôi không còn trẻ nữa, hai trong số năm chúng tôi đã làm cha. Cho nên, tôi nghĩ đã đến lúc mình phải xây cái gì đó cho âm nhạc Việt Nam, cho những người trẻ yêu nhạc. Tôi luôn bị ám ảnh rằng, nếu người đi trước không chia sẻ được đam mê và tri thức âm nhạc với thế hệ sau thì đó là sự vô trách nhiệm. Hàng ngày, tôi và Alex tiếp xúc với phụ huynh, câu đầu tiên họ nói là ‘Thầy Thanh, thầy Alex, chúng tôi tôn trọng bạn nhưng tôi không muốn con tôi theo nghề vì nó có quá nhiều tiêu cực’. Mình làm nghề, nghe như vậy thì chạnh lòng chứ. Nhưng nói đi thì cũng phải nghĩ lại, tại cớ làm sao người ta đều nghĩ như vậy? Rõ ràng, đã đến lúc chúng ta cần tỉnh táo, thôi tung hô để định hướng lại. Và có những sự thật cần phải nói lên. Đã đến lúc các show truyền hình thực tế cần phải dừng lại. Ngày nay, các show truyền hình thực tế không vì nghệ thuật mà vì kinh doanh. Do vậy, tất cả những lựa chọn cũng sẽ bị tác động. Nhìn tuổi thơ và sự hồn nhiên của một đứa bé bị mất đi khi phải bước chân vào một chương trình, quả thật rất thiệt thòi cho em ấy. Nhưng nếu chỉ nói thôi thì chưa đủ, mình cần phải hành động trong khả năng của mình. Thế là, chúng tôi bắt tay nhau và thực hiện thôi”.
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE