Có thể nói Off-White là hành trình thấm đẫm sự nỗ lực không ngừng, đôi lúc tưởng chừng đã đến vực thoi thóp, tuyệt vọng khi ngụp lặn trong thị trường lạ lẫm, khó chiều của Virgil Abloh. Nhắc lại thời kỳ đầu tiên, Virgil gần như không có phương tiện gì để lần sâu vào cơn mộng đa sắc. Bước ra khỏi cái bóng quá lớn với cái mác stylist của Kanye West, anh đã mất một khoảng thời gian để xây dựng tên tuổi cho thương hiệu của riêng mình mà anh đã ấp ủ suốt 5 năm. Sự cạnh tranh gay gắt trong thế giới may mặc đã thúc đẩy Virgil phải là người đi đầu sáng tạo, khởi xướng, tiên phong. Bằng chính nỗ lực không ngừng nghỉ đó, mà Off-White đã và đang gặt hái “quả ngọt” và trở thành một trong những thương hiệu danh giá trong thế giới phủ đầy bụi thời trang Streetwear.
Mấy tháng trước, các sneakerhead liên tục “truyền tay” nhau loạt bức ảnh “rò rỉ” vềdòng sản phẩm mới nhất của Nike hợp tác với Off-White – “con cọp” lớn mạnh nhất nhì làng thời trang Streetwear. Cho đến tận tháng 5 vừa qua thì “bố già” Nike mới chính thức công bố 10 “gương mặt” sáng giá trong bộ sưu tập mới với tên gọi The Ten vô cùng mãn nhãn khiến giới mộ điệu đứng ngồi không yên. Dù đã từng “xuất chiêu” với Stüssy hay Supreme, nhưng chính chất “nghệ” của Virgil là điểm tạo nên sự khác biệt cho lần hợp tác này của Nike và Off-White. Chỉ vài miếng patch lẫn đường chỉ chắp vá, tông màu đỏ-trắng chủ đạo, điểm nhấn tiêu biểu như dòng “AIR” nơi bộ đệm hay “SHOELACES” trên hầu hết dây giày, Virgil đã khéo léo giữ nguyên tính chất của giày Nike nhưng đồng thời sử dụng thiết kếcủa họ để làm nền tảng cho sự sáng tạo của mình. Đây là điều mà anh bạn thân Kanye đã không thể làm được khi hợp tác với Nike vài năm trước.
Giống như cách mà các giám đốc sáng tạo làm việc khi họ đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tại các nhà mốt nổi tiếng, Virgil sử dụng những tinh hoa sẵn có, từ đó tạo nên sự phá cách độc đáo, khác biệt trong chính thiết kếcủa mình. Anh từng chia sẻ với Business of Fashion, The Ten là “điểm chốt của sự tiến bộ, chúng được pha trộn hài hòa giữa chất đặc thể thao, “máu” thiết kếvà cơ hội đổi mới tư duy từ trước đến giờ”. Tài năng của Virgil được thể hiện qua từng chi tiết anh đặt vào mỗi đôi giày. Đối với anh, không phải cứ gắn logo của Off-White lên đôi giày Nike thì nó tự khắc sẽ thành một món đồcó giá trị. Anh đã phá vỡ những quy chuẩn chung của đôi giày Nike nguyên bản như: biểu tượng swoosh to hơn bình thường, những miếng bọt dày mượn từ blazer, hay kiểu dáng lạ mắt.
Điều đáng chú ý, đối với một cái tên đình đám như Nike thì logo là “tài sản giá trị nhất”, vậy mà họ đã cho phép Virgil Abloh biến tấu nó cũng như phần chất liệu. Lý do Virgil có được đặc quyền này bởi anh là bậc thầy về tiếp thị thời trang hiện đại. Bản thân anh cũng thuộc lứa những nhà thiết kế trẻ, nên hơn ai hết anh hiểu rằng với tốc độ phát triển chóng mặt của phương tiện truyền thông đại chúng, rất dễ dàng để quảng bá cũng như đưa người tiêu dùng tiếp cận gần hơn với sản phẩm của mình. Không chỉ có Virgil Abloh, xuyên suốt năm 2017, nhà thiết kế thời trang tầm cỡ như Kim Jones của Louis Vuitton sử dụng chiêu thức đăng tải trên Instagram hàng loạt hình ảnh vềlook book mới thu hút đông đảo sự quan tâm của các tín đồ thời trang. Là người thông minh, Virgil nhìn nhận được thời trang đang dần bước vào thời đại mới – thời đại mà những thương hiệu thành công nhất như Gucci và Balenciaga biết cách sử dụng các trang mạng xã hội để tạo ra những cơn sốt thời trang. Những Hedi Slimane của Saint Laurent, Alessandro Michele của Gucci, và Demna Gvasalia của Balenciaga đều có chung một quan điểm rằng thời trang đang ở trong thời kì hoàng kim của sự sáng tạo. Với vai trò là nhà thiết kếcho một nhà mốt nổi tiếng đòi hỏi sự cân bằng giữa các quy tắc cơ bản cần thiết của họ và sự bức phá của mỗi cá nhân. Hơn bất kì ai, Virgil Abloh đã làm rất tốt điều này.
Ngay cả những nhà thiết kế tên tuổi cũng đã từng vài lần “trầy trật” khi Alexander Wang hay Demna Gvasalia không thể hòa nhập cái tôi của mình trong thời trang vào chuẩn mực riêng của Balenciaga. Nhưng với Virgil thì lại khác. Anh biết bản thân cần phải làm gì để hòa nhập vào “hành tinh” của một nhà mốt khác bằng cách sử dụng các quy tắc đã được thiết lập sẵn (và thường có tính cách giáo điều) theo những cách độc đáo và thú vị. Tuy đã có lần vấp phải lời chỉ trích cho rằng anh sao chép hoặc ăn cắp của các nhà thiết kế khác, đặc biệt là Raf Simons, nhưng đây là lời cáo buộc hoàn toàn không có nền tảng. Có lẽ vì hầu hết những giám đốc sáng tạo thường phải trải qua một quá trình rất dài, từng bước đi lên với mong muốn thống lĩnh giới thời trang, trong khi Virgil lại là “tay ngang”. Nhưng anh đi lên từ chính tài năng và thực lực của mình, thật sự trở thành “cá chép hóa rồng” trong thế giới nghệ thuật may mặc.
Do sự nổi tiếng đột ngột của mình, Virgil đã hoàn toàn phá vỡ “hệ thống” đó. Vì vậy mà nhiều người đồn đoán anh sẽ sớm được đảm nhiệm vị trí chỉ đạo của một nhà mốt danh tiếng. Thậm chí mới đây anh có một cuộc trò chuyện với Riccardo Tisci của Givenchy. Ai cũng có thể thấy cả hai người đều có chung chí hướng đó là kết hợp đặc trưng của một thương hiệu lịch sử và tính hiện đại của thời trang đường phố. Tuy nhiên mọi tin đồn đều chấm dứt khi chiếc ghế đó được giao cho Claire Waight Keller – cựu giám đốc sáng tạo của Chloé – người đã từng làm việc cho Gucci và Ralph Lauren. Qua đó ta có thể thấy, trong một ngành công nghiệp được xác định bởi những nhà thiết kếdám thách thức chuẩn mực thông thường, thì Virgil là sự lựa chọn hoàn hảo. Nhưng sự thật là các thương hiệu thời trang vẫn tiếp tục cảnh giác với anh, dù bất cứ lý do gì.
Chính anh cũng cảm nhận được điều đó. Cứ mỗi một item “cháy hàng” anh tung ra, luôn có những bình luận ác ý cho rằng anh đạo nhái ý tưởng hay đơn thuần “học đòi” làm nhà thiết kế. Nhưng anh không để bản thân chùn bước mà vẫn trau dồi và thể hiện năng lực của mình. Trong bài diễn thuyết ở trường đại học Columbia, anh đã thẳng thắn quá trình làm nên thương hiệu cũng như những khó khăn mà anh trải qua. Anh tin rằng thời trang không chỉ dành cho giới thượng lưu mà là cho tất cả mọi người yêu thích cái đẹp và mong muốn mặc đẹp. Yêu thích anh hay ghét bỏ anh, chúng ta đều phải thừa nhận sức ảnh hưởng của Virgil ngày càng lớn mạnh trên thị trường may mặc hiện nay.
—
Lược dịch: Quỳnh Như (tham khảo: highsnobiety)