Có phải sự ra đời của chiếc cà vạt nam bắt nguồn từ một loại khăn để lau mặt, như loại khăn ăn được quấn quanh cổ không?
Trả lời: Không – bạn đã nhầm nó với khố đeo (jockstrap), vốn được sử dụng bởi người Hi Lạp cổ đại như dụng cụ lọc dầu ô-liu. Thực ra, phụ kiện đeo cổ có nguồn gốc từ nhà binh: những bức tượng người lính Trung Hoa từ thế kỷ III trước Công nguyên đã chứng tỏ sự hiện diện của những chiếc khăn quàng để bảo vệ cơ thể khỏi điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Chiếc cà vạt mà chúng ta biết ngày nay bắt nguồn trực tiếp từ một chuyến công du tới Paris vào khoảng 1660 bởi một trung đoàn từ Croatia. Vua Louis XIV đã bị choáng ngợp bởi những chiếc khăn lụa màu sắc sặc sỡ của các sĩ quan người Croatia tới mức ông coi chúng là biểu tượng của hoàng gia và quyết định sáng lập một “đế chế” riêng của mình, được biết với tên gọi Royal Cravattes.
Cravate, tất nhiên, là từ tiếng Pháp để chỉ người Croatia – tựa như fop là từ tiếng Anh để chỉ người Pháp vậy. Ở một số quốc gia, dùng chiếc cà vạt nam như khăn ăn sẽ bị coi là một tội ác, và thậm chí là lí do để trục xuất khỏi lãnh thổ. Một bí quyết để tránh điều này khỏi xảy ra: hãy giấu cà vạt vào trong áo khi ăn.
Còn loại cà vạt nam có kẻ sọc bắt nguồn từ đâu? Đó có phải là một “sản phẩm thời trang” đặc trưng của nước Mỹ?
Trả lời: Bạn sẽ được “tha thứ” nếu cho rằng cà vạt nam có hoạ tiết sọc chéo là phát kiến thời trang kinh điển của nước Mỹ, tương tự như mẫu quần chino hay đôi giày lười penny loafer. Kỳ thực hoạ tiết sọc chéo có nguồn gốc từ bên kia bờ Đại Tây Dương, cùng với mẫu áo khoác trench coat, từ thế kỷ 19. Các quý ông Anh quốc sử dụng cà vạt nam hoạ tiết sọc chỉ ở một số màu nhất định, và chiều rộng của chiếc cà vạt là biểu trưng cho trường học, câu lạc bộ và binh đoàn họ tham gia.
Vào Chiến tranh thế giới thứ 1, vị công tước tương lai của xứ Windsor đã biến mẫu cà vạt sọc to màu xanh và đỏ của Trung đoàn vệ binh Hoàng gia Anh thành xu hướng phụ kiện thời thượng tới mức sau này chúng được sản xuất hàng loạt tại Mỹ. Tới 1920, thương hiệu thời trang lâu đời nhất nước Mỹ Brooks Brothers đã “xúc phạm” lòng tự tôn nước Anh khi ra mắt hoạ tiết sọc chéo từ phải sang trái – ngược hướng với mẫu sọc chéo truyền thống của Anh trước đây. (Ngày nay bạn sẽ thấy cả hai phiên bản.) Bỏ đi những định kiến cố hữu, chiếc cà vạt sọc sớm trở thành món phụ kiện không thể thiếu ở Mỹ, từ các phòng họp cấp cao tới lớp học. Những năm gần đây, chiếc cà vạt nam sọc đã được “tái sinh” với đường cắt gọn hơn, kiểu dáng hiện đại hoàn toàn thổi bay vẻ “cổ lỗ sĩ” còn sót lại. Phối với bộ suit ôm dáng vừa vặn hay quần jeans tối màu, cà vạt sọc là điểm nhấn làm nên phong cách không thể Mỹ hơn.
Bài: Thảo Nguyên