Đàn ông mặc suit có một ma lực kỳ lạ, tưởng chừng như bao nhiêu sự đời được vận lên người một cách vừa vặn mà đầy tinh tế. Chàng trai 20 mặc suit bỗng trở nên thâm trầm, lãng tử. Đàn ông 40 mặc suit lại có nét phong trần khó cưỡng. Thời trang có một câu nói rằng “không có bộ suit rẻ hay đắt, mà chỉ có bộ suit vừa hay không”. Có lẽ, giá tiền chưa bao giờ được lấy làm thước đo cho giá trị của một bộ suit, mà chính sự vừa vặn và sự khéo léo trong từng đường cắt may đã làm nên cái hồn của loại phục trang này. Sự đa dạng của thời trang đương đại đã tạo cho suit những bước chuyển mình về độ phong phú. Có rất nhiều dòng sản phẩm được ra mắt hàng năm nhưng chưa một đại diện nào có thể thay thếđược suit may đo cao cấp (Bespoke Suit) vềđộ tinh xảo trong từng đường nét. Bạn sẽ không thể tìm được hai bộ suit may đo giống hệt nhau bởi chúng được “đo ni đóng giày” cho từng người mặc.
Chặng đường mà bespoke suit đã đi qua được xem là huyền thoại của rất nhiều những câu chuyện mà ở đó sự tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ, đã thổi hồn vào những bộ thiết kế mang đậm dấu ấn cá nhân. Vượt qua những định kiến xã hội về thời trang vào những năm đầu thế kỷ 12, hòa cùng với sự phát triển của nghệ thuật và văn hóa trong thời kỳ Phục hưng, xu hướng may mặc này được tôn vinh như một phương thức làm nổi bật vẻ đẹp hình thể con người và đóng góp vào sự trở lại của chủ nghĩa nhân sinh. Phục trang, từ một miếng vải duy nhất, đã được đưa vào hình hài với những đường cắt sắc bén, ôm sát vào đường nét cơ thể. Các thợ may cũng thay đổi cách nhìn nhận về quần áo, từ một nhu cầu thiết thực, trở thành công cụ để truyền tải cái đẹp, kỹ thuật may từ đó cũng được chú trọng và trau chuốt hơn mở đường cho sự phát triển của thời trang đương đại. Khi sự phát triển công nghiệp trở nên bùng nổ, đời sống xã hội dần được cải thiện, các thị trấn trở thành những khu phố sầm uất , và thời trang cũng đã tiến hóa thành biểu tượng của sự phân tầng xã hội. Các quốc gia như Ý, Tây Ban Nha, Pháp nổi lên thành những “trung tâm thời trang” và những nam nhân thượng lưu sẽ đi du lịch khắp châu âu để tìm kiếm cho mình một bộ suit may đo vừa ý, được thiết kế riêng bởi những thợ may danh tiếng. Trong th kỷ thứ 17, bespoke suit mang đậm phong cách hoàng gia. Dưới sự trị vì của vua Louis XIV, thời trang nam giới, đặc biệt là suit, bắt đầu có sự tinh giản, nhưng mang một phong cách nam tính và hơi thở hiện đại. Đây được coi là một bước ngoặt quan trọng đưa suit may đo trở thành một dòng sản phẩm khác biệt với những loại suit bình dân cùng thời.
Sự ảnh hưởng của suit may đo đã lan tỏa tới Anh quốc và lập nên một đếchế cho riêng mình, đế chế mang tên Savile Row như một biểu tượng vàng của nghệ thuật cắt may. Nếu người Pháp mang sự hào hoa của mình để tạo tính chân, thiện, mỹ trong từng nét thiết kế thì người Anh lại đề cao tính ứng dụng, đưa suit may đo tiến gần hơn tới người dùng mà không hề làm mất đi giá trị vốn có của nó, bởi việc tập trung vào những chi tiết nhỏ làm bật lên sự tinh tế trong từng đường kim mũi chỉ. Bên cạnh đó, các thợ may ở London đi theo tinh thần của chủ nghĩa tối giản với tôn chỉ hàng đầu là sự phù hợp và sự thoải mái. Vì vậy, những bộ suit may đo được tạo ra bởi các thợ may ở Anh thường không có nhiều họa tiết và chú trọng cao vào chất liệu vải. Cuộc cách mạng công nghiệp tại xử sơ sương mù đã mở ra một sự bùng nổ mới cho ngành thời trang nói chung và nhu cầu về suit may đo nói riêng, mà kết quả của nó là sự ra đời của Savile Row, tại Mayfair, London. Khu phố này được xây dựng từ năm 1731, ban đầu là nơi tạm trú của các sỹ quan quân đội Anh cùng gia đình, sau được chuyển thành nơi bảo trợ cho các thợ may tay nghề cao là những người chịu trách nhiệm chính về vấn đề phục trang của tầng lớp thượng lưu nơi đây. Thuật ngữ “Bespoke” là sản phẩm kế thừa của văn hóa, như một cách diễn đạt khác của dấu ấn cá nhân trên từng thiết kế riêng biệt của bộ suit. Với tầng lớp quý tộc, bộ suit không chỉ là trang phục mặc trên người mà còn là một tuyên ngôn không lời cho đẳng cấp của một tầng lớp xã hội: “Bespoke” chính là “spoken for”.
Khi bước vào một cửa tiệm của Savile Row, bạn như lạc vào thế giới của những tâm hồn đồng điệu, ở đó bạn được thấu hiểu bởi những nghệ nhân thực thụ, chơi nghệ thuật thông qua chất liệu vải, bằng những đường cắt may, gửi gắm trong từng đường kim mũi chỉ. Một bộ suit may đo được hoàn thiện trong vòng 6 tuần, dựa trên một bìa mẫu với số đo của riêng bạn, thậm chí có những công đoạn phải khâu bằng tay để đạt được độ ôm tuyệt đối. Chính sự tỉ mỉ và yêu cầu cao trong kỹ thuật đã tạo nên giá trị của một bộ suit may đo (Bespoke Suit), với mức giá không dưới 3.000 bảng Anh.
Những bộ suit ngày nay vẫn giữ nguyên kỹ thuật cắt may truyền thống, mặc dù đã hòa nhập ít nhiều với sự tiến bộ của công nghệ và khoa học kỹ thuật. Trong một thế giới đang bị thống trị bởi tự động hóa và sản xuất dây chuyền, vòng đời thời trang đang dần rút ngắn lại bởi sự ra đời của thời trang may sẵn, thì giá trị lịch sử vượt thời gian của suit may đo lại là một điều hiếm hoi và đáng được trân trọng.
—
Lê Tùng (Tạp chí Phái Mạnh ELLE Man)