Nói đến thời trang Nhật Bản là nói đến những phong cách dị biệt được tạo nên từ sự sáng tạo dường như không có giới hạn của con người nơi đây. Tuy nhiên, có lẽ ít ai biết được phong cách Ametora (một trong những nền móng đã xây dựng nên nền văn hoá thời trang muôn màu muôn vẻ của xứ sở Hoa Anh Đào) lại đến từ nước Mỹ xa xôi.
1. Kensuke Ishizu và Ivy League – những nền tảng tạo nên phong cách Ametora
Ametora là viết tắt của cụm từ “American Traditional” – tạm dịch “chất Mỹ truyền thống”. Có thể thấy, ngay từ cái tên, chúng ta đã dễ dàng hình dung ra rằng phong cách Ametora đơn giản là phong cách thời trang cổ điển của Hoa Kỳ được mặc bởi người Nhật.
Mặc dù chỉ chính thức trở nên phổ biến tại Nhật vào một thập kỉ sau Thế chiến thứ hai, tuy nhiên trên thực tế, phong cách Ametora đã được “thai nghén” trong xuyên suốt một đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước này. Sở dĩ nói vậy là bởi chính dòng chảy du nhập văn hoá Tây phương vào Nhật Bản, đã tạo nên những sự thay đổi đáng kể về kiểu cách ăn mặc của xã hội nơi đây, cũng như tạo nên những nguồn cảm hứng đáng kể trong cảm quan thời trang của Kensuke Ishizu – người được ví như “cha đỡ đầu” của phong cách Ametora tại Nhật.
Kensuke Ishizu trưởng thành trong thời kỳ Taisho, thời kỳ đánh dấu sự thay đổi rõ nét trong lối ăn mặc của tầng lớp trung và thượng lưu tại Nhật Bản, tiêu biểu với trào lưu MOBOs & MOGAs. Thời kỳ này chứng kiến sự nở rộ của những bộ Âu phục, váy lụa, các mái đầu slick back bóng loáng ở các chàng trai (MOBOs) và kiểu tóc cúp ngắn của các quý cô (MOGAs) trên khắp các con phố Nhật Bản.
Xu hướng MOBOs & MOGAs, cộng hưởng với trải nghiệm làm việc tại một cửa hàng Âu phục cổ điển ở Trung Quốc trong những năm tháng tuổi trẻ đã hình thành cho Ishizu một sở thích đặc biệt đối với thời trang Tây phương. Sau khi chiến tranh kết thúc, Ishizu trở về quê hương và tiếp tục sự nghiệp thời trang của mình tại nhãn hàng Renown, giữa lúc mà thời trang Mỹ dần trở thành một xu thế ăn mặc mới trên khắp các thành phố Nhật Bản.
Sau thất bại tại Thế chiến thứ hai, đời sống của đại đa số người dân Nhật Bản lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Chính sự tương phản về đời sống giữa người dân Nhật Bản và các binh sĩ Hoa Kỳ đóng quân tại nơi đây, đã phần nào tạo nên cho người Nhật thời kỳ bấy giờ một xu hướng “thần tượng” các nét văn hoá và kiểu cách ăn vận đặc trưng của Mỹ. “Đối với người dân Nhật Bản, đặc biệt là giới trẻ trong thời kỳ này, việc thích nghi với các nét văn hoá Hoa Kỳ, cả về kiểu cách ăn mặc lẫn văn hoá giải trí, được ví như một tấm vé để cứu rỗi tâm hồn của họ khỏi những sự tuyệt vọng và khó khăn trong cuộc sống.”
Tâm lý xã hội này cộng hưởng với việc nở rộ các công xưởng sản xuất quần áo quân dụng nhằm phục vụ cho cuộc chiến trên Bán đảo Triều Tiên năm 1950 đã vô tình tạo ra một tiềm năng cực lớn cho ngành may mặc Âu phục tại Nhật Bản. Nắm bắt cơ hội này, Kensuke Ishizu đã tận dụng những mối quan hệ với các xưởng sản xuất và cảm quan thời trang của chính ông, để để sáng lập nên Ishizu Shoten (sau đó được đổi tên thành VAN Jacket vào năm 1951) – nhãn hàng thời trang chuyên về quần áo cao cấp kiểu Mỹ.
Mặc dù đã nhanh chóng thu hút được 1 lượng khách hàng với các sản phẩm thời thượng như Norfolk Jacket. Tuy nhiên, Ishizu không chỉ muốn dừng lại ở phân khúc thượng lưu. Năm 1959, theo những lời giới thiệu từ các bạn bè người Mỹ về phong cách Ivy League, Ishizu đã du lịch đến Hoa Kỳ, và cụ thể hơn là các trường Đại học thuộc Ivy League để tìm nguồn cảm hứng.
Và tại đây, ông đã nhanh chóng bị ấn tượng bởi lối ăn mặc đặc trưng của các sinh viên. Theo W. David Marx, tác giả của quyển Ametora: How Japan Saved American Style: “Ivy League chính là điểm khởi nguồn thật sự cho phong cách Ametora, hay nói rộng hơn là nền thời trang hiện đại hậu Thế chiến tại Nhật”. Chính vì vậy, để có thể hiểu rõ hơn về phong cách Ametora, thì trước hết chúng ta cần điểm sơ qua một chút về phong cách thời trang Ivy League.
Đây là một kiểu cách ăn mặc đặc trưng bắt nguồn từ các sinh viên thuộc khối Ivy League bao gồm Havard, Princeton hay Yale… Khối Ivy League rất được mến mộ trong xã hội, và kiểu cách ăn mặc của các sinh viên nơi đây, với những item sporty kinh điển như áo polo, áo len cộc tay, áo khoác thể thao…kết hợp với nét ăn mặc đặc trưng của giới quý tộc Anh Quốc như áo tay dài hoạ tiết sọc ngang Breton stripe, giày Oxford wingtip, cà vạt Ascot, giày Brogue và áo khoác vải tweed… cũng theo đó trở thành một xu hướng thời thượng cho những người trẻ thuộc tầng lớp từ trung đến thuợng lưu tại Hoa Kỳ.
Phong thái thanh lịch, nhưng vẫn đảm bảo sự năng động và sáng tạo trong phong cách Ivy League chính là hình ảnh mà Kensuke Ishizu luôn mong muốn giới trẻ tại quê nhà hướng đến. Chính vì vậy, ngay khi trở về nước, Ishizu đã nhanh chóng cho sản xuất những bộ suit theo khuôn mẫu Ivy, lấy cảm hứng từ thiết kế No 1. Sack Suit kinh điển của Brooks Brothers. Và đến năm 1962, một bộ sưu tập hoàn chỉnh theo phong cách Ivy chính thức được trình làng với các item đặc trưng như quần chinos, áo suit vải sọc nhăn (seersucket), cà vạt repp tie, sweater cổ chữ V…
Bên cạnh các sản phẩm kể trên, Kensuke Ishizu còn tiếp tục tận dụng vị trí biên tập viên mảng thời trang Nam tại tạp chí Otoko no Fukushoku (sau này được đổi tên thành Men’s Club) đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về các yếu tố thời trang hiện đại nói chung và phong cách Ivy nói riêng, với đỉnh điểm là chiến dịch Take Ivy cùng sự ra đời của cuốn sách ảnh cùng tên năm 1965.
Cuốn Take Ivy, phát hành vào năm 1965, đã trở thành một đầu sách trang trí phổ biến tại các cửa hiệu cao cấp từ Ralph Lauren, YSL…
Những thước phim và hình ảnh được ekip của VAN ghi lại và phát hành từ chính những khuôn viên các trường Ivy League tại Hoa Kỳ đã chính thức đưa phong cách Ivy League và Preppy trở thành một xu thế hàng đầu trong thời trang Nhật Bản, và qua đó kiến tạo nên phong cách Ametora.
2. Phong cách Ametora – khi người Nhật đưa thời trang Mỹ lên tầng cao mới
Phong cách Ametora có lẽ đã không thành công đến thế nếu như tiếp nối Kensuke Ishuzu không được kế thừa và tiếp nối bởi một thế hệ thiết kế gia đầy tài năng với những “tượng đài” của thời trang Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung như Hiroshi Fujiwara, Jun Takahashi hay NIGO.
Không chỉ kế thừa trọn vẹn tinh thần cách tân từ Ishizu, những tượng đài thời trang này còn mở rộng phong cách Ametora vượt ra xa khỏi khuôn nền Ivy hay Preppy, bằng cách áp dụng đầy sáng tạo và nâng tầm nguồn cảm hứng kinh điển của thời trang thế giới như cuộc cách mạng của chất liệu denim vào những năm 60-70 hay văn hoá Hiphop.
Không chỉ lấy cảm hứng, thế hệ vàng của thời trang Nhật Bản còn trực tiếp gia nhập vào thị trường thời trang Hoa Kỳ, thông qua mạng lưới network Stussy Tribe cùng thương hiệu Stussy, trong cuộc cách mạng thời trang đã kiến tạo nên văn hoá streetwear vào thập niên 80.
Những tác phẩm thời trang của những huyền thoại này đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của văn hoá streetwears trên toàn cầu, để qua đó, khiến thế giới phải công nhận rằng với phong cách Ametora, người Nhật thậm chí đã cải tiến và biến những nét thời trang cổ điển của Mỹ thành một văn hoá đậm chất riêng và đầy sáng tạo của xứ sở Hoa Anh Đào
Xuyên suốt sự phát triển đó, phong cách Ametora đã trở nên đa dạng và mang đậm hơi thở đường phố hơn khá nhiều so với nền tảng thanh lịch cổ điển từ phong cách Ivy, với những item đậm nét phong trần như áo khoác denim, quần chinos, áo sơ mi casual, bomber và varisty jacket hay mũ bucke, và đặc biệt là sự biến tấu đầy sáng tạo với hoạ tiết paisley hay các bản phối màu đặc trưng của văn hoá Nhật Bản.
Trải qua một quãng đường dài ăn sâu vào văn hoá thời trang của Nhật Bản, phong cách Ametora dường như đã không còn đơn thuần là một kiểu cách ăn vận hay một phong cách phối đồ cụ thể nào nữa mà đã trở thành một sự đại diện tiêu biểu cho sức sáng tạo không giới hạn, cũng như những sự tìm tòi và cách tân không ngừng nghỉ – những yếu tố đã cấu thành nên một nền văn hoá thời trang đầy đặc sắc tại xứ sở Hoa Anh Đào
Bạn muốn tạo dựng phong cách Ametora như một người Nhật? Hãy tìm hiểu trong bài viết dưới đây:
—
Tạp chí Phái mạnh ELLE Man
Bài: Tào Minh
Nguồn tham khảo: Bodega, GQ, Fashion Beans, Grailed, Ametora: How Japanese Saved American Style (W. David Marx)