Crossfit từ lâu đã trở thành một xu hướng rèn luyện sức khỏe. Tưởng chừng như, một buổi sáng đẹp trời, bạn đã thấy hàng chục “box”(1) mọc lên ngay cạnh nhà mình. Vậy Crossfit thực chất là gì, dành cho ai, hoạt động ra sao và liệu bạn có nên tập Crossfit?
(1) Từ dùng để chỉ những phòng tập Crossfit. Có sự khác biệt với phòng tập thông thường.
1. Khái niệm Crossfit
Sau đây là một định nghĩa về Crossfit:
“Crossfit là một chương trình rèn luyện sức khỏe và điều kiện hóa cơ thể dành cho các học viện cảnh sát, các đội đặc nhiệm, những đơn vị quân sự đặc biệt, những nhà vô địch đấu quyền và hàng trăm ngàn những vận động viên chuyên nghiệp trên toàn thế giới.
Crossfit toàn diện và rộng khắp. Chuyên môn của Crossfit là không chuyên môn gì hết. Đối kháng, sinh tồn, các môn thể thao khác làm nên Crossfit.
Thông qua Crossfit, người tập sẽ cải thiện khả năng hô hấp, sức mạnh, tốc độ, sự dẻo dai, sự chính xác và sự thăng bằng.”
Nói một cách đơn giản và ngắn gọn, Crossfit là một chương trình rèn luyện sức khỏe kết hợp nhiều kiểu tập khác nhau.
Crossfit hoàn toàn khác biệt với một phòng tập thương mại. Ở đó, bạn sẽ không thấy máy chạy bộ, máy đẩy tạ hay các lớp tập nhảy giảm mỡ.
2. Đối tượng Crossfit hướng đến
Crossfit đặc biệt ở chỗ: Bạn có thể tự lên lịch tập cho mình, hay bạn có thể lên trang chủ chính thức của Crossfit (hoặc nếu gần chỗ bạn có “box”) để nhận lịch tập được thiết kế sẵn (Thường được gọi là Workout of the Day, viết tắt WOD). Ví dụ: Lịch tập hôm nay là chạy 5000 mét. Nếu bạn chỉ chạy được 1000 mét, vậy đó sẽ là khởi điểm của bạn. Nếu bạn đang chấn thương và không thể chạy, bạn sẽ được nhận bài tập thay thế. Bạn cứ tập luyện như thế, dần dần bạn sẽ theo được các lịch tập của Crossfit hoặc ít ra: Bạn cũng khỏe hơn so với trước.
Như vậy, Crossfit dành cho mọi người và mang đến lợi ích khác nhau cho đối tượng khác nhau. Với những người mới tập thể dục, họ sẽ từng bước xây dựng một nền tảng sức khỏe vững chắc. Nếu thích, họ có thể chuyển hẳn sang Bodybuilding hay Calisthenics. Với một số người (Đặc biệt là người già), Crossfit còn mang lại tinh thần cộng đồng. Họ đến “box” không chỉ để tập mà còn trao đổi những vấn đề khác nhau trong cuộc sống. Với cựu vận động viên, Crossfit còn là môi trường cạnh tranh thú vị. Crossfit có những giải đấu trên phạm vi toàn quốc mời gọi những ai thực sự yêu thích bộ môn này.
Tuy nhiên, một số đối tượng không thích hợp để tập Crossfit. Đó là những chuyên gia – những người chỉ giỏi duy nhất một lĩnh vực (Ví dụ: Power Lifter) hay những vận động viên đang thi đấu đỉnh cao (Những môn thể thao khác nhau đòi hỏi cách thức vận động cơ thể khác nhau, Crossfit lại là một chương trình rèn luyện sức khỏe toàn diện và bạn không thể phát triển chuyên sâu một lĩnh vực nhất định). Một đối tượng nữa là những người thích luyện tập một mình (solo trainer). Crossfit là một môn thể thao cộng đồng, và đôi khi hiệu quả luyện tập của bạn sẽ bị kìm hãm.
3. Crossfit có nguy hiểm không?
Việc rèn luyện sức khỏe luôn tiềm ẩn rủi ro, Crossfit không là ngoại lệ.
Thứ nhất, Crossfit yêu cầu bạn phải hoàn thành một khối lượng bài tập lớn càng nhanh càng tốt. Chính yêu cầu này của Crossfit khiến bạn đôi lúc phải hi sinh các tiêu chuẩn của một bài tập nhằm hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Về lâu dài, bạn sẽ gặp chấn thương. Đặc biệt là nếu bạn không có người bên cạnh chỉ dẫn.
Thứ hai, môi trường thân thiện nhưng mang tính cạnh tranh của Crossfit là một con dao hai lưỡi. Bạn tập quá mức cho phép của cơ thể và hậu quả tất yếu là chấn thương.
Thứ ba, Crossfit có khả năng gây ra tình trạng tiêu cơ vân. Những người đã lâu không tập luyện, cơ bắp sẽ bị “chai”. Khi tập luyện trở lại, cơ bắp do không chịu nổi cường độ đột ngột dẫn đến “rách”.
Thật ra, những nguy hiểm này không phải lỗi ở Crossfit mà chủ yếu là do nhận thức của mỗi người.
4. Một lớp Crossfit kiểu mẫu
Như đã nói ở trên, phòng tập Crossfit có sự khác biệt so với phòng tập thông thường. Crossfit khá đắt đỏ, vì một lớp Crossfit chỉ khoảng mười người tham gia và huấn luyện viên thì phải thật sự tốt. Thông thường sẽ có những dạng lớp sau đây:
Lớp giới thiệu: Dành cho những người chưa bao giờ thử Crossfit. Bạn sẽ được giới thiệu về Crossfit, thử một vài bài tập cơ bản và cách thức đăng ký. Những lớp giới thiệu thường là những lớp miễn phí. Hãy tận dụng những lớp miễn phí này để đánh giá chất lượng phòng tập, nhất là yếu tố huấn luyện viên. Crossfit đặt nặng vai trò huấn luyện viên, một huấn luyện viên không tốt không khác gì một người đẩy bạn vào mê cung vô lối thoát.
Lớp vỡ lòng: Dù bạn là lính mới hay cựu binh, đây vẫn là lớp học đáng thử. Tham gia lớp học này, bạn sẽ được dạy hoàn chỉnh những động tác. Có những động tác bạn nghĩ mình làm đúng, nhưng thật ra lại không đúng chút nào.
Lớp thường: Đây là lớp học chính trong Crossfit. Mỗi lớp học kéo dài từ 45 phút đến một tiếng đồng hồ. Hướng dẫn viên sẽ đi vòng quanh để chỉnh sửa cho các học viên.
Một lớp Crossfit sẽ bao gồm bốn mục: Khởi động, tập kĩ năng/sức khỏe, tập theo lịch cho sẵn, kéo dãn cơ.
Bạn có thể tập Crossfit ở nhà, nhưng sẽ khó hơn nhiều. Không có người kiểm tra, không có người cổ vũ, không có đủ thiết bị cần thiết. Tập Crossfit tại gia là điều không tưởng.
5. Tổng kết
Lợi ích của Crossfit:
Thể hình đẹp
Tinh thần cộng đồng
Tính cạnh tranh cao
Dễ tiếp cận
Lý tưởng cho việc rèn luyện sức khỏe
Khuyết điểm của Crossfit:
Thiếu chuyên sâu
Thiếu ổn định
Chương trình luyện tập đôi khi bất hợp lý
Quá ưu tiên khối lượng tập
________
Tổng hợp: Phúc – Hình ảnh: sưu tầm