Đàn ông và phụ nữ, họ đều ăn, ngủ, thở và nhận thức cũng mang tính tương đồng, nhưng trải nghiệm tình yêu và cuộc sống của cả hai lại khác nhau đến không ngờ, đặc biệt là chuyện hậu chia tay.
Ngoài yếu tố khác biệt sinh học, từ xa xưa, đàn ông và phụ nữ được nuôi dạy lớn lên theo những cách khác biệt, sự chuyển biến càng mạnh mẽ hơn vào tuổi dậy thì. Những cô gái được giáo dục cặn kẽ từ thuở nhỏ, họ bị “gò” vào khuôn mẫu phải thùy mị, ăn vận đáng yêu, cảm thông với mọi người; những câu nhóc thì khác, họ thường người lớn được “thả rong” và ít tự biết quan tâm tới bản thân hơn. Đàn ông từ Sao Hỏa và phụ nữ từ Sao Kim, một bên biết tự chủ và kiềm hãm được cảm xúc bản thân, một bên vẫn rong ruổi trong một thế giới riêng của “những cậu bé”. Do đó trong chuyện tình cảm sau này, đàn ông thường khó kiềm chế được cảm xúc bản thân so với phụ nữ, nhất là vào giai đoạn hậu chia tay.
Dù có đồng tình hay không thì đối với những người đàn ông, cuộc sống trong mắt họ sẽ dễ dàng hơn phái đẹp, đặc biệt là yếu tố sinh lý. Cơ thể của đàn ông không cần phải được “chăm sóc và bảo trì” như phụ nữ, họ không phải lăn tăn nhiều về cơ thể, chăm chút nhan sắc với hàng tá mỹ phẩm các loại hay oằn mình mỗi khi “đến ngày”. Phái đẹp luôn sống trong “lo toan” với những thứ như vậy, họ dành nhiều công sức để chăm chút và “bảo trì” cơ thể nên suy nghĩ cũng ý tứ và cẩn thận hơn phái mạnh.
Vậy nên khi qua tuổi dậy thì, con gái mang trong mình một suy nghĩ thật sự “trưởng thành”, họ nghiêm túc và chín chắn bước ra ngoài thế giới để theo đuổi những hoài bão, xây dựng sự nghiệp cho riêng mình, phụ nữ hiện đại bước ra khỏi rào cản của những giá trị cũ là phải ở nhà làm việc bếp núc và chăm sóc con cái. Và trong xã hội ngày càng phát triển với tình trạng bất bình đẳng giới gần như bị xóa nhòa, càng nhiều người đã vượt qua khỏi sức ép của định kiến “dựng vợ gả chồng” hay “xuất giá tòng phu”, họ cứ tự do và tự chủ cuộc sống như vậy, thậm chí cạnh tranh một cách công bằng và lấn át nam giới trong nhiều lĩnh vực.
Trải qua hàng ngàn năm, từ khi bị “gông cùm” trong ý thức hệ phong kiến và được dần giải phóng, phụ nữ đã từng bước tiến lên những thứ bậc cao trong xã hội. Từng sống trong những định kiến bất công và tình cảnh nghiệt ngã gấp trăm lần đàn ông nên cảm xúc của họ buộc phải “trưởng thành” và gan lỳ. Và trong vòng vài thập kỷ trở lại đây, quan niệm và suy nghĩ của phái đẹp thay đổi một cách chóng mặt khi họ được “giải phóng” bản thân, giành được vị thế trong xã hội. Mang trong mình những giá trị giáo dục cũ và tiếp cận những giá trị tiên tiến, phụ nữ hiện nay là sự “cân bằng” giữa cảm xúc và lý trí.
Ngược lại, ngàn năm qua, tuy đàn ông là những người tiên phong cách những cải cách, khai hoang những vùng đất mới, là những kẻ khuấy động chiến tranh và cách mạng, nhưng họ lại có đời sống tình cảm an nhàn hơn. Đàn ông thường được ưu tiên trong gia đình và xã hội nên về mặt cảm xúc, họ mang “đặc quyền” phát triển một cách tự nhiên và chậm rãi.
Do vậy, nói một cách nôm na, đàn ông không giỏi chịu đựng như phụ nữ, những người đã dành cả cuộc đời để học cách đối phó với những thương tổn cảm xúc. Vậy nên cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi hậu chia tay, hầu hết phụ nữ có thể lấy lại cân bằng và nhanh chóng hòa nhập lại với xã hội, còn phái mạnh chúng ta cứ dằn vặt liên miên. Đừng hiểu lầm ở đây là phụ nữ không biết đau, ai cũng thương tổn vào thời điểm hậu chia tay, nhưng như đã nói ở trên thì những cô gái của chúng ta là những bậc thầy trong việc kiểm soát cảm xúc và lý trí, họ nén đau giỏi hơn phái mạnh.
Nói vậy không có nghĩa đàn ông sẽ luôn yếu đuối hơn phụ nữ, vì như một quy luật tự nhiên, khi đủ đớn đau, tổn thương và biết mở lòng học tập từ những thất bại đã qua thì cảm xúc sẽ trưởng thành, trái tim đủ chai lỳ để đương đầu cho những khó khăn trong tình cảm về sau. Ngược lại, nếu vẫn mãi cố chấp làm một “cậu nhóc” không trưởng thành, không kiểm soát cảm xúc, không thể quen được với những vết thương, không chấp nhận với thực tại của những mối quan hệ thì bạn sẽ mãi là những đứa trẻ khóc dài trong cơn ác mộng mang tên “ hậu chia tay ”.
—
Tạp chí Phái mạnh ELLE Man
Bài: Dominic Nguyen