Thể thao 04/11/2016

Khi bóng rổ lấn át bóng đá

Bài ELLE Team

[Tạp chí ELLE MAN - 9/2016] Trong khi làng bóng đá Việt Nam càng tổ chức càng gây ì xèo về tính nghiệp dư, từ ban tổ chức, đội bóng, trọng tài cho đến các cầu thủ, thì sự ra đời của giải bóng rổ Việt Nam (VBA) có thể được coi là luồng gió mới cho sự phát triển của thể thao theo hướng chuyên nghiệp hóa. Không chỉ theo nghĩa tự nuôi sống được bản thân mà còn là hình mẫu của mô hình thể thao kết hợp giải trí.

Khởi điểm từ Saigon Heat

khi-bong-ro-lan-at-bong-da-1

Hình ảnh từ Tổng thống Barack Obama đến các ngôi sao giải trí như Beyoncé ngồi ăn hot-dog và theo dõi giải bóng rổ nhà nghề NBA đã trở nên quá quen thuộc với người hâm mộ toàn thế giới. Không những vậy, NBA còn được xem như biểu tượng cho văn hóa đại chúng Mỹ. Khi bắt đầu trở về lập nghiệp tại quê nhà cách đây một thập kỷ, doanh nhân Nguyễn Bảo Hoàng không giấu diếm tham vọng đưa mô hình ấy về Việt Nam. Nhưng cũng phải mất tới vài năm, ước mơ đó mới trở thành hiện thực sau những lần “lao tâm khổ tứ” với đội bóng rổ Saigon Heat.

2016 là năm mà đội bóng rổ của Nguyễn Bảo Hoàng tròn 5 tuổi, bằng chứng cho thấy sự miệt mài của doanh nhân này cho môn thể thao được kỳ vọng sẽ phổ biến thứ 2 tại Việt Nam sau bóng đá. Chỉ có điều, bóng đá đầu tư mãi vẫn chưa cất nổi cánh, dù có quá nhiều lợi thế. Dân trong nghề đều hiểu, khác biệt chính là ở cách làm.

khi-bong-ro-lan-at-bong-da-2

Bắt đầu tham dự ABL (giải vô địch bóng rổ chuyên nghiệp Đông Nam Á) từ 4 năm trước, cho dù không đạt được thành tích cao, song Saigon Heat luôn tạo nên cơn sốt với người hâm mộ mỗi khi đăng cai các trận đấu trên sân nhà. Tất cả là nhờ vào cách vận hành chuyên nghiệp của ông Hoàng, học theo mô hình của NBA.

khi-bong-ro-lan-at-bong-da-3

Đầu tiên là việc thuê ngoại binh từ chính NBA để giúp đội bóng có thêm sức cạnh tranh. Mùa 2014, ông Hoàng đưa về Justin Williams, cầu thủ từng chơi cho các đội mạnh tại NBA là Sacramento Kings và Houston Rockets. Hay như ở mùa này thì ngoại binh đáng chú ý nhất là ngôi sao gốc Việt, Việt Arnold, hiện tượng của ABL 2016. Sự xuất hiện của những ngoại binh chất lượng cao không chỉ dừng lại ở việc tăng thêm sức mạnh hay thu hút khán giả, mà còn nhằm thị phạm cho những cầu thủ trong nước, vốn có đẳng cấp thấp hơn hẳn so với khu vực. Điều này nằm trong chiến lược nâng tầm chất lượng cầu thủ nội, để đến nay, Saigon Heat đã có những nội binh tốt như Triệu Hán Minh.

Nhưng như đã nói, điều quan trọng nhất mà ông Hoàng đem lại là mô hình hoạt động của một CLB thể thao theo hướng chuyên nghiệp. Đó là biến mỗi trận đấu thành một sự kiện giải trí, cho cả người già, phụ nữ lẫn trẻ em. Từ chuyện có hoạt náo viên (cheerleader), người đóng vai linh vật (mascot) hâm nóng bầu không khí đến việc thuê các ngôi sao giải trí xuất hiện trên khán đài nhằm thu hút sự chú ý của cánh báo chí “lá cải”. Dĩ nhiên, cái đích xa hơn nữa của ông Hoàng, trên cương vị chủ tịch Liên đoàn bóng rổ Việt Nam là nhân rộng phong trào, để tiến tới thành lập giải vô địch bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam.

Và ngày đó cũng đã đến.

Cột mốc lịch sử

khi-bong-ro-lan-at-bong-da-4

Ngày 6/7/2016, cột mốc lịch sử của bóng rổ Việt Nam được xác lập khi ông Hoàng cùng 4 ông bầu khác (một trong số đó là ông Trần Anh Tú – Chủ tịch Liên đoàn bóng đá TP.HCM, người có công đưa Futsal Việt Nam đến với World Cup) cùng ngồi lại với nhau, thống nhất về sự ra đời của VBA. Giải đấu được khai sinh dựa trên nền tảng là sự phát triển bóng rổ trong thanh niên, sinh viên, học sinh ở các đô thị lớn. Họ cùng nhau ký một cam kết ngầm gắn bó ít nhất 3 mùa giải, đảm bảo tài chính (tối thiểu 5 tỷ đồng/mùa) nhằm duy trì sự ổn định cho giải đấu, yếu tố quan trọng nhất. Slogan “Hơn cả một trận đấu” được lựa chọn như là lời tuyên bố đanh thép khẳng định tham vọng của những nhà sáng lập. Giải đấu là sự kết hợp các yếu tố thể thao – giải trí – biểu diễn – kinh doanh, biểu tượng cho thể thao chuyên nghiệp có thể tự nuôi sống với sự hỗ trợ của PR và marketing.

Với chỉ 5 đội tham dự và một hạng đấu, các đội bóng ở VBA không phải lo lắng chuyện lên – xuống hạng. Họ cũng không chịu áp lực về thành tích, tiền thưởng quá lớn. Mục tiêu hàng đầu của VBA là thu hút sự quan tâm của công chúng, kéo người hâm mộ tới sân và bán được vé.

khi-bong-ro-lan-at-bong-da-5

Lần đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam, một đội thể thao có đội truyền thông riêng cực kỳ hùng hậu. Các đội bóng tại VBA đều có trang web riêng, Twitter, Facebook, YouTube. Các trang mạng này được chăm sóc công phu, cẩn thận nhằm tạo sự tương tác lớn nhất tới công chúng. Dù mới ra đời được vài tháng, các đội đều chú trọng xây dựng bản sắc riêng phù hợp với từng vùng miền. Hanoi Buffaloes có biểu tượng là con trâu, Danang Dragons gắn với hình ảnh con rồng, Cantho Catfish nhắc chúng ta nhớ tới con cá. Chỉ trong thời gian ngắn, các biểu tượng nhận diện thương hiệu như logo, trang phục, tên gọi đã được hoàn thiện.

Yếu tố hình ảnh, âm thanh được chú ý. Các đội bóng đều thuê những nhóm quay phim, nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp tới ghi hình các trận đấu của họ. Một ví dụ nhỏ cho sự cầu toàn của VBA: Đội Hanoi Buffaloes đã cắt hợp đồng với ê-kíp âm thanh sau sự cố dàn loa ngừng hoạt động chỉ trong vài giây. Nhờ làm truyền thông chuyên nghiệp, bài bản, các đội bóng VBA đã nhanh chóng xây dựng được lượng cổ động viên thân thiết. Những trận đấu của Saigon Heat, Hochiminh City Wings hay Hanoi Buffaloes thường xuyên làm chật kín nhà thi đấu CIS và nhà thi đấu Bách Khoa. Lượng người hâm mộ tới sân ở mức 1.500 tới 2.000 người, đảm bảo mang tới nguồn tiền vé ổn định cho đội.

Không chỉ tương tác với cổ động viên, VBA còn nỗ lực tạo điều kiện cho các nhà tài trợ. Không gian của VBA mở rộng như một lễ hội thu nhỏ. Bên ngoài nhà thi đấu luôn có khu vực bán đồ ăn, nước uống, các quầy quần áo, đồ dùng thể thao mang logo của đội bóng. CĐV cũng có thể dễ dàng tìm được khu vực chụp ảnh riêng cùng nhiều hoạt động vui chơi giải trí khác. Nếu bạn mua vé VIP tới sân, bạn thậm chí có thể ngồi theo dõi trận đấu ngay bên đường pít, được phục vụ thức ăn, đồ uống miễn phí cùng nhiều ưu đãi khác.

Cập

Hiện giá vé trận của các đội bóng ở VBA dao động từ khoảng 70.000 tới 900.000 đồng. Với khoảng trên 100.000, cổ động viên có thể mua được các hạng vé cơ bản (Standard). Các đội bóng cũng tổ chức bán vé cả mùa với mức giá dao động từ 300.000 tới 5.000.000 đồng.

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

cùng chuyên mục

No more