Thật dễ hiểu khi quần jeans nam được xem là item “trâu bò” nhất trong tủ đồ, đôi khi một chiếc quần càng tả tơi càng được xem là “chất” khi phong cách distressed hay destroyed denim hiện đang khá thịnh hành. Tuy vậy, cũng như bất cứ món đồ thời trang nào, một chiếc quần jeans nam xứng đáng được “quan tâm chăm sóc” như bao món đồ khác. Đó là chưa kể mỗi kiểu dáng hay chủng loại quần jeans nam khác nhau sẽ có phương thức chăm sóc khác nhau. Bạn càng quan tâm đến chúng bao nhiêu thì thời gian sử dụng càng lâu, và hơn hết điều đó chứng tỏ bạn là một người yêu thời trang thật sự.
Nào hãy cùng ELLE Man tìm hiểu những điều cần ghi nhớ trong “hành trình” bảo quản chiếc quần jeans của mình.
A. Xác định từng chủng loại quần denim
Điều đầu tiên trong “hành trình” này, là bạn phải phân biệt từng kiểu jeans và có cách vệ sinh phù hợp cho từng chủng loại. Ví dụ, quần jeans raw (raw denim) phải được giặt riêng, quần jeans pha thun (stretch jeans) thì chỉ có thể dùng tối đa một năm, quần jeans tráng sáp (waxed jeans) thì cần phải được chăm sóc đặc biệt…
1. Quần Raw (Raw Denim)
Khi đụng đến quần raw, phải thật chăm chút và tách riêng nó với những món đồ khác. Quần raw đặc biệt ở chỗ, người mặc nó phải trải qua giai đoạn breaking từ raw – tạo ra dáng quần theo thói quen vận động và phom cơ thể người mặc, giai đoạn này thường kéo dài từ 6 đến 1 năm tùy tần suất sử dụng. Thường thì trong giai đoạn này, hạn chế giặt quần nhất có thể vì sẽ làm cho vải phai màu và mất phom, thậm chí có người kĩ tính đến mức không giặt một lần nào trong giai đoạn breaking.
Bạn sẽ thắc mắc về tính vệ sinh nếu như ít (hoặc không) giặt quần. Nếu không giặt quần, thì hãy bỏ vào ngăn đá tủ lạnh để tẩy mùi và hạn chế sự sinh sôi của vi khuẩn: lộn trái quần, bỏ vào túi nylon có zipper, cho vào ngăn đá để mặc lại ở lần sau. Nhưng nói trước là cách này không hoàn toàn loại bỏ được vi khuẩn, nếu bạn cảm thấy không thể nào nuôi cái “ổ vi khuẩn” này trong vòng 6 tháng – 1 năm được thì hãy cứ giặt, nhưng hãy hạn chế (1 tháng/lần) và kết hợp với phương pháp “ngăn tủ đá” như trên. Cách giặt quần jeans nam raw: lộn trái quần, ngâm vào nước ấm, dùng những loại nước giặt chuyên dùng cho denim hoặc dùng nước giặt thông thường là được. Tuyệt đối không dùng bột giặt và dùng máy giặt.
2. Quần denim pha thun (Stretch Denim)
Trước đây, kiểu quần jeans pha elastane và spandex để tạo độ co giãn chỉ dành cho phụ nữ, nhưng ngày nay chúng cũng được áp dụng trên quần jeans nam dáng skinny và áo khoác denim. Thật ra với kiểu quần jeans nam này, cũng nên hạn chế giặt máy để kéo dài tuổi thọ vì chất denim pha thun sẽ không thể nào bền được như denim thông thường. Nhưng như một quy luât tự nhiên, vật chất nào cũng có giới hạn, những chiếc quần pha thun sẽ xuống phom sau 8 – 12 tháng sử dụng dù bạn có chăm sóc chúng kĩ như thế nào đi nữa. Vậy nên hết thời gian đó hãy thay bằng lô quần mới.
3. Quần jeans tráng sáp (Waxed Denim)
Đây là kiểu quần jeans có độ bóng mờ do được phủ một lớp sáp trên bề mặt và không mấy phổ biến trong trang phục của chúng ta, nhưng vì cũng là một chủng loại quần jeans nam nên chẳng có lý do gì bỏ nó ra khỏi danh sách. Cách tốt nhất để vệ sinh chúng là bằng phương pháp giặt khô ở nhiệt độ thấp, không giặt máy và tiếp xúc ở nhiệt độ cao vì sẽ làm chảy mất lớp sáp trên bề mặt quần. Cũng phải cần cực kỳ cẩn trọng trong thói quen hàng ngày khi mặc kiểu quần này vì lớp sáp dễ bị trầy và tróc nếu tiếp xúc với các bề mặt xù xì như cạnh bàn gỗ hay bề mặt kim loại. Chính sự kì công và nhọc nhằn đó mà chẳng nhiều người ưa chuộng chủng loại quần jeans nam này.
4. Quần jeans thường
Với kiểu quần jeans nam thường (không raw, không stretch, không waxed) thì cách chăm sóc cũng sẽ dễ dàng hơn, bạn có thể giặt bằng máy nhưng cũng đừng quá thường xuyên (2-3 tuần/lần) và nhớ lộn trái quần khi giặt.
B. Xếp và bảo quản quần jeans đúng cách
Thông thường chúng ta sẽ gấp quần jeans, cách này ổn nhưng chưa phải tốt nhất. Quần jeans là thứ trang phục khá dày, đặc biệt là quần jeans raw, nên việc xếp quần và bảo quản thường không phải là vấn đề lưu tâm hàng đầu, nhưng tuyệt đối đừng treo quần bằng các luồn lưng quần vào những loại găng móc kim loại vì chúng vẫn có thể làm hư phom quần.
Cách tốt nhất là luồn con đĩa quần vào phần cổ móc và treo lên, hoặc bạn có thể đầu tư hơn bằng những chiếc móc chữ S chuyên dụng cho quần jeans. Cách treo rũ tự nhiên như vậy giúp giữ phom và tránh tạo ra những vết nhăn trên quần.
C. Giặt quần jeans đúng cách
Một chiếc quần được chăm sóc sai cách cũng tệ như khi không được chăm sóc vậy. Ngoài những kiến thức chăm sóc quần cơ bản đã nhắc đến trong phần A, cách tốt nhất để biết phải chăm sóc một chiếc quần jeans nam như thế nào cho đúng là nhìn vào phần nhãn mác của nó. Nhà sản xuất khuyến cáo ra sao thì ta làm như thế.
Thông thường, nếu muốn kéo dài tuổi thọ một chiếc quần thì đừng nên giặt máy. Hãy giặt tay, dùng nước ấm và ngâm không quá 45 phút. Còn nếu giặt bằng máy, lời khuyên chung cho mọi chiếc quần là “lộn trái, cài nút quần, chọn chế độ quay chậm nhất và nhiệt độ thấp nhất” để hạn chế ma sát giúp quần giữ phom và ít bay màu. Cần lưu ý cả số lượng quần jeans trong một lần giặt, tối đa từ 3 đến 4 chiếc. Không giặt chung với các trang phục khác, đặc biệt là quần jeans nam raw vì trong quá trình giặt, màu chàm sẽ chảy ra (đây là một điều bình thường với quần raw) sẽ loang qua các quần áo khác.
D. Phơi và ủi quần jeans đúng cách
Khi giặt xong, hãy phơi ở nơi tránh ánh nắng trực tiếp từ Mặt Trời và để khô tự nhiên. Tuyệt đối không đặt vào máy sấy quần áo, đặc biệt là đối với những chiếc quần raw vì màu chàm sẽ bị chảy ra khi gặp nhiệt độ quá nóng.
Thông thường thì người ta không ủi đồ denim, nhưng nếu phải ủi thì bạn nên dùng bàn ủi hơi nước để kéo dài tuổi thọ chất vải. Chỉ nên dùng bàn ủi khi cần làm thẳng những nếp gấp vô tình tạo ra do quá trình treo quần sai cách.
—
Tạp chí Phái Mạnh ELLE Man
Lược dịch: Đức Nguyễn (Tham khảo: Fashionbeans)