Tự hỏi liệu bạn đã biết rằng từ thuở ban đầu được khai sinh, giày thể thao không hề có chiếc trái hay chiếc phải, cứ xỏ vào là đi? Liệu bạn có biết Nike được đặt theo tên của Nữ Thần Chiến Thắng trong thần thoại Hy Lạp? Chúng được ra đời vào năm nào? Và liệu bạn có biết đầy đủ từng mẫu giày hay xu hướng điển hình qua thời gian?
Là một phần của thời trang, sneakers có nền văn hóa riêng của nó, lịch sử và muôn vàn câu chuyện hay cảm hứng hình thành nên với những nhánh rẽ chằng chịt mà phải là những thần kinh giày gạo gội mới có thể nắm vững.
Vừa qua, kênh youtube và website The Idle Men đã tóm tắt lại lịch sử sneakers trong 60 giây. Đoạn clip ngắn liệt kê những mẫu giày đầu tiên làm tiền đề cho sự ra đời của sneakers, đến những đôi giày điển hình qua từng năm tháng và xu hướng đến tận ngày nay.
.
Ngoài ra, mời các bạn cùng ELLE Man tìm hiểu sơ qua lịch sử ra đời của nền văn hóa đang tạo nên những cơn sốt xu hướng cũng như “khuấy đảo” túi tiền của chúng ta nhé.
Buổi đầu khai sinh
Hãy cùng đi một quãng đường dài ngược về quá khứ. Vào cuối thế kỷ 18, con người thường dùng một loại giày có đế làm bằng cao su được gọi là plimsolls, nhưng chúng rất thô kệch và không được phân biệt giày trái hay phải. Đến năm 1892, U.S Rubber Company cho ra mắt một loại giày đế cao su với phần thân giày làm từ vải canvas mang êm chân, thoải mái hơn. Được công chúng đón nhận rộng rãi, từ 1917 được sản xuất đại trà.
Cái tên sneakers ra đời bởi sự êm nhẹ khi di chuyển mà người ta thường nói rằng bạn có thể áp sát người khác từ sau lưng mà họ không hề hay biết. Cũng trong cùng năm 1917, Marquis Converse sản xuất đôi giày cổ cao để bóng rổ chuyên dụng đầu tiên, Converse All-Stars.
Năm 1923, dòng giày được đổi thành Chuck Taylor All-Stars, và trở thành best-selling của mọi thời đại.
.
Vươn ra thế giới
Một năm sau, 1924, sneakers vươn ra khắp địa cầu khi một người Đức tên Adi Dassler tạo dựng thương hiệu mang chính tên mình, adidas. Thương hiệu adidas nhanh chóng trở thành cái tên phổ biến nhất thế giới về các sản phẩm giày thể thao. Ngôi sao điền kinh Jessie Owens mang giày adidas khi 4 lần giành huy chương vào kì Thế Vận Hội Olympics 1936. Sau đó, người em Rudi của Adi tách ra để tạo dựng nên một đế chế riêng biệt, Puma.
Đến tận giữa thế kỷ 20, sneakers thường chỉ được sử dụng trong thể thao. Cho đến những năm 50, giới trẻ bắt đầu xem chúng như một tuyên ngôn thời trang riêng biệt. Văn hóa sneakers ngày càng lan rộng bởi trào lưu ăn mặc của các ngôi sao Hollywood, nổi bật trong số đó là James Dean với bộ phim Rebel Without a Cause.
Năm 1964, Blue Ribbon Sports, công ty tiền thân của Nike ra đời tại Oregon, trở thành một kình địch truyền kiếp với adidas.
Đổi mới trong thiết kế và hiệu năng vận động
Nền kinh doanh sneakers đạt bước đột phá quan trọng vào năm 1984, khi huyền thoại bóng rổ Michael Jordan kí kết hợp đồng đại diện với Nike với dòng giày nổi tiếng nhất mà nhân loại từng biết đến, AirJordans. Ngay cả sau khi giải nghệ, dòng giày này cũng vẫn luôn nằm trong top best sellers.
Ngay sau đó, những đối thủ khác như Reebok hay adidas cũng bước vào vũ đài chạy đua thiết kế và công nghệ sneakers. Họ thay đổi thiết kế, màu sắc, chất liệu cho những sản phẩm. Ngoài tính thoải mái và hiệu năng vận động, an toàn khi chơi thể thao thì tính thẩm mỹ thời trang cao cấp ngày càng được chú trọng.
Và đến ngày nay, sneakers là thị trường khổng lồ mang lại hàng tỉ đô mỗi năm, nơi những thương hiệu lâu đời, nhà mốt nổi tiếng hay những cái tên start-up cho ra mắt thiết kế theo ngày và trình làng công nghệ sản phẩm theo tháng.
—
Tạp chí Phái Đẹp – ELLE
Tham khảo: The Idle Man