Hãy cùng ELLE Man tổng hợp lại 12 bộ phim thời trang hiện đại có sức ảnh hưởng lớn những năm 2000.
1. THE TALENTED MR. RIPLEY (1999)
Nối tiếp bộ phim Ý Purple Noon năm 1960, thời trang trong phiên bản 1999 này đã thể hiện khá rõ nét phong cách vùng biển Ý và phong cách Preppy cổ điển. Dựa trên bối cảnh những năm 50, tủ đồ của Matt Damon và Jude Law sẽ không thực sự hoàn hảo nếu thiếu đi những chiếc áo Gingham, Button-down, Turtle-neck, .. đi đầu xu hướng thời bấy giờ.
2. AMERICAN PSYCHO (2000)
American Psycho đã thực sự đưa người xem quay trở lại thời kỳ đỉnh cao của thời trang những năm 80. Đặc biệt với những điểm nổi bật chính là ve áo kiểu Ý thấp, áo rộng vai cho đến những chiếc áo khoác dài quá mắt cổ chân. Xem ra anh chàng Người Dơi cũng rất biết cách ăn diện bộ suit Valentino Couture kể cả khi hoá thân thành một gã “tâm thần”.
3. BLOW (2001)
Bộ phim xoay quanh câu chuyện kể về một gã buôn ma tuý giàu có thập niên 70. Một kẻ phô trương điển trai với cuộc sống xa xỉ thời bấy giờ chắc chắn sẽ không thể thiếu đi Leisure Suit, những chiếc kính phi công Platinum bóng bẩy, Turtle-neck trắng và chiếc áo Trench cổ điển.
4. OCEAN’S ELEVEN (2001)
Có thể nói Ocean’s Eleven là một trong những bộ phim tội phạm nổi tiếng có phong cách ăn mặc lôi cuốn nhất. Điển hình là những bộ suit cotton màu ghi, beige độc đáo của Brad Pitt, tạo điểm nhấn với những chiếc áo sơmi nhiều hoạ tiết. Hay hình ảnh George Clooney trong những bộ cánh Tuxedo với ve áo kiểu Anh cổ điển có lẽ không thể hoàn hảo hơn.
5. ALFIE (2004)
Vào vai gã trai làng Playboy xung quanh bởi các cô gái đẹp nhất New York, Jude Law đã thực sự khiến chúng ta mở mang tầm mắt về một tủ đồ thời trang tiết kiệm mà chất lượng. Tất cả những gì chúng ta cần chính là những bộ suit Pinstripe không bao giờ lỗi mốt, kết hợp với chiếc áo sơmi có màu sắc khó nhằn nhất – hồng phấn và cuối cùng là một chiếc khăn choàng cổ.
6. LAYER CAKE (2004)
James Bond luôn được giới mộ điệu thời trang không ngớt lời khen ngợi bởi sự cổ điển lịch lãm trong từng trang phục “chiến đấu” của mình. Nhưng trước khi vào vai chàng điệp viên số một xứ sở sương mù, Daniel Craig đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ một tay lính đánh thuê “badass” với phong cách thời trang không thể tuyệt vời hơn.
Từ đầu cho đến cuối bộ phim, phong cách ăn mặc của Daniel luôn linh hoạt với chiếc áo khoác da, những bộ suit màu kem, Kilgour navy và áo khoác Pinstripe suit cùng quần Jeans.
7. A Single Man (2009)
Xứng đáng là bộ phim thời trang điển hình mọi thời đại, A Single Man phần nào đã lột tả hết vẻ đẹp của một quý ông hoàn hảo. Dưới bàn tay chăm chút với vai trò nhà thiết kế kiêm đạo diễn, Tom Ford đã thực sự hướng người xem tới một góc nhìn, một kiệt tác cực kì mãn nhãn. Nhờ vẻ đẹp chất phác và sự lôi cuốn mãnh liệt của những bộ suit may đo hoàn hảo, bộ phim đã nâng sức ảnh hưởng của “fashion film” lên đến một tầm cao hoàn toàn mới.
https://www.youtube.com/watch?v=sC9Zm1UJ7zs
8. DRIVE (2011)
Mặc dù Ryan Gosling không có nhiều trang phục khác nhau mang tính hoạt trong bộ phim. Tuy nhiên, chính chiếc áo khoác hình con bọ cạp nổi tiếng và áo denim lại đóng góp một phần không hề nhỏ giúp bộ phim trở thành một phần của lịch sử phim thời trang.
9. CRAZY, STUPID, LOVE (2011)
Gu thời trang trong thước phim điện ảnh này dường như là sự phản ánh quá trình thay đổi và trưởng thành rõ rệt của người đàn ông. “Clothes don’t make the man” (tạm dịch: Quần áo không chứng tỏ người đàn ông). Tuy nhiên trong trường hợp này, khoác lên mình những bộ suit màu xanh bóng bẩy, màu than với ve áo kiểu Anh,.. lại khiến các chàng trai toát lên những nét quyến rũ đầy tự tin thật khó cưỡng lại.
10. THE GREAT GATSBY (2013)
Với sự đầu tư kĩ lưỡng cho từng chi tiết nhỏ nhất của bộ phim dựa trên bối cảnh những năm 20, thì The Great Gatsby dành giải Oscar cho hạng mục Thiết Kế Trang Phục Đẹp Nhất không phải là một điều quá ngạc nhiên.
Double-breasted suit (hai hàng khuy) với ve áo kiểu Anh, những bộ vest, áo len cổ đan chéo, mũ newsboy,.. Cùng phong cách cổ điển, xuyên suốt bộ phim dường như đã khơi gợi lại xuất sắc khung cảnh của những bữa tiệc xa hoa đình đám bậc nhất thời bấy giờ.
11. La La Land (2016)
Lại một lần nữa, Ryan Gosling xứng đáng là hình mẫu điển hình có gout ăn mặc thời thượng nhất Hollywood. Châm ngòi lửa cho ngành điện ảnh năm 2017, bộ phim ca nhạc này đã chứng tỏ rằng phong cách vintage không bao giờ là lỗi mốt.
Một anh chàng chìm đắm với niềm đam mê bất tận với nhạc jazz, chắc chắn sẽ không thể ngoại trừ trường hợp những bộ trang phục ưa thích của anh ta sẽ là áo Camp-collar, đôi giày nhảy “Tap dance” hai tone màu và cuối cùng là những bộ suit với các gam cổ điển nhất.
12. Zoolander (2001, 2016)
Zoolander có thể nói là bộ phim thời trang hài tuyệt vời nhất từ trước đến nay về giới làng mốt. Với những pha hành động hài hước cho tới sự điển trai kỳ quặc của Derek, bộ phim đã đánh dấu cột mốc quan trọng lịch sử điện ảnh thời trang những năm 2000.
Nếu phần 1 là sự khởi đầu của kỷ nguyên Derek Zoolander, thì phần 2 là sự trở lại của cựu người mẫu cùng với những xu hướng lớn nhất trong năm. Những hoạ tiết nổi bật cực kì táo bạo, sự hồi sinh của hoạ tiết thêu “vintage” và đặc biệt phải kể đến kiểu áo dáng dài thời thượng.
—
Beth Phạm (Tạp Chí Phái Mạnh ELLE Man)