Tầm ảnh hưởng có thể sánh ngang với The Beatles. Rất nhiều giọng ca hàng đầu thế giới hiện nay từng thừa nhận rằng họ chịu nhiều ảnh hưởng từ ông.
Năm 1967, Chogyam Trungpa Rinpoche, một nhà sư Tây Tạng trên đường tị nạn đến Bắc Mỹ khỏi chính quyền Trung Quốc, đã dừng chân tại tu viện Samye Ling tọa lạc tại vùng Scotland của Liên hiệp Vương quốc Anh. Chính tại nơi đây, sự hóa duyên giữa đạo Phật đã diễn ra giữa vị sư này với chàng David trẻ.
Những năm 60 của thế kỉ trước, thế giới phương Tây bắt đầu tìm hiểu về Phật giáo. Họ tìm thấy những triết lý tĩnh tâm và những quy luật hòa hợp tuyệt vời trong đó. Thế hệ trẻ trẻ tìm đến đạo Phật như con đường tìm hiểu về niềm an lạc và an nhiên trong cuộc sống, trong số đó có những ngôi sao đang tỏa sáng trên bầu trời châu Âu.
“Trong vòng một tháng, tôi đã cao đầu như một tăng nhân, cũng thề nguyện và đọc kinh chú, tôi sống và sinh hoạt như một người xuất gia thật sự”, huyền thoại quá cố này từng hồi tưởng lại khoảng thời gian ấy.
Ông từng có ý định từ bỏ thế tục để chuyên tâm tu học đạo. Tuy nhiên việc gác bỏ cuộc sống bình thường để trở thành một tăng nhân không hề là chuyện dễ dàng, đặc biệt khi lúc này David đã bắt đầu sự nghiệp âm nhạc của mình được 7 năm và cũng đã có chút tiếng tăm. Cảm thấy bối rối trước hai con đường của cuộc đời, David tìm đến vị thiền sư Tây Tạng nọ và được khuyên bảo hãy tiếp tục cuộc sống của một ca sĩ, một nhà soạn nhạc, một con người của công chúng. Dĩ nhiên, sau đó ai cũng biết được David đã lựa chọn con đường nào.
(Phật giáo có tác động khá sâu sắc đến âm nhạc của David Bowie và ca khúc The Buddha of Suburbia là một trong số đó)
Lương duyên giữa David và vị thiền sư này khá ngắn ngủi nhưng đó là những bước chân đầu tiên mở ra trong anh con đường tu tập Phật giáo cũng như thay đổi cuộc đời huyền thoại âm nhạc này.
Niềm đam mê tu tập đạo Phật và tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Tây Tạng của ông tăng dần theo năm tháng. Sau đó một thời gian, ông gặp gỡ một vị sư Tây Tạng khác và trở thành môn đồ tu tập trong vài tháng. Lama Chime Rinpoche, vị sư này không chỉ là một guru (người thầy, người chỉ dẫn) đạo Phật mà còn là một người bạn thân của chàng David trẻ.
Người ta nói rằng, Silly Boy Blue, một trong những ca khúc đầu tiên do David Bowie sáng tác chính là quà tặng dành cho vị thầy của mình. Ông hồi tưởng khi nói về vị sư thầy Rinpoche:”Ngài ấy không chỉ là một guru, mà còn là một người bạn, một chỗ dựa tinh thần và nơi giải đáp cho những câu hỏi cuộc đời trong tôi…”.
Sự hóa duyên với triết lý Phật giáo Tây Tạng từ sớm cùng hai tăng nhân Tây Tạng đã mở ra một chân trời mới trong David Bowie. Việc tu tập và thiền định đã ảnh hưởng sâu sắc đến ông. Từng có ý định xuất gia nhưng lại được dẫn lối trở về với âm nhạc khi thiền sư Trungpa thấy được hào quang và sức ảnh hưởng của chàng David trẻ, người có thể trải rộng những giá trị tốt đẹp đến hàng triệu người qua từng ca khúc, điệu nhạc thay vì chỉ chuyên tâm tu dưỡng cho bản thân. Tu tập Phật học không nhất thiết phải tìm kiếm đến thiền viện, mà việc tạo ra nguồn cảm hứng, tình yêu thương, lòng nhân ái và hướng đến hòa bình cho nhiều thế hệ bằng âm nhạc lại là một cách tu tập tuyệt vời. Huyền thoại David Bowie đã thực hiện rất xuất sắc điều này cho đến tận phút cuối đời.
Huyền thoại âm nhạc Anh quốc biểu diễn ca khúc Silly Boy Blue tại Tibet House Benefit vào ngày 26.02.2001
Bài: Đức Nguyễn