Cách đây 4 năm, điện ảnh Việt Nam trong tôi là một chuỗi phim hài không đầu không cuối, nội dung thì lỏng lẻo, diễn viên thì mờ nhạt. Ngồi xem đến khi dòng credit cuối cùng rời khỏi màn hình vẫn chưa hiểu câu chuyện được truyền tải là gì. Kỹ thuật dựng phim có phần được cải thiện, nhưng lại không thể gắn kết với mạch phim để làm nổi bật những thông điệp mà bộ phim muốn mang tới, những chỗ cần quay chi tiết thì lại hời hợt, những chỗ cần quay nhanh thì lại đi quá sâu. Mỗi lần xem những bộ phim như thế, tôi lại tiếc cho một thời của những “Bao giờ cho đến tháng 10”, “Mùa len trâu” hay “Áo lụa Hà Đông”. Tình yêu với điện ảnh nước nhà trong tôi cứ dần phai nhạt cho đến một lần lang thang trên mạng, tôi chợt nghe thấy điệu tuồng cổ Trưng Nữ Vương vang lên giữa những góc quay không thể chân thực hơn của những phố phường Sài Gòn, nơi có những con nắng đầu mùa tràn xuống những ô gạch nhỏ ủ đầy mùi nhang còn ấm. Lòng tôi như hẫng đi một nhịp. À thì ra cũng có lúc phim Việt lại đẹp đến nao lòng như vậy.
Tôi bắt đầu tìm hiểu thêm những bộ phim đang được quan tâm gần đây, và thực sự bất ngờ bởi sự lột xác mà nền điện ảnh Việt Nam đang thể hiện. Mỗi bộ phim là một câu chuyện hoàn chỉnh, mặc dù vẫn còn đâu đó tính kịch trong lời thoại, và một số cốt truyện được chuyển thể từ những bộ phim nước ngoài nhưng các tình tiết vẫn rất gần gũi với văn hóa nước nhà. Đôi khi người xem lại nhìn thấy phảng phất đâu đây bóng dáng của chính bản thân mình trong những nỗi niềm của chính các nhân vật. Đó là khát khao được một lần sống với ước mơ từ thuở thanh xuân trong “Em là bà nội của Anh”, hay là những cảm xúc đan xen nhiều chiều đa diện, có phần phức tạp, nhưng thực chất lại vô cùng giản đơn mà thấm thía trong “Sài Gòn, anh yêu em”, đôi khi đó là tiếng lòng nỉ nôi của những phận “thân sâu hồn bướm” đằng sau những rực rỡ của hội chợ lô tô thuở thiếu thời, hay là nỗi lòng của những người con xa xứ, thèm một lần được nghe lại câu Dạ Cổ, được ăn một chén cơm quê, thênh thênh thang thang trên những con thuyền, êm ả trôi trong những ráng chiều miền sông nước. Cảm xúc cứ thế được khơi dậy cùng với những tâm tư của nhân vật, đạt đến cao trào trong từng nút thắt mở của mạch phim. Những câu chuyện được lấy cảm hứng từ chính bức tranh đa diện của cuộc đời mà ở đó mọi kiếp người được nhìn thấu, mọi nỗi lòng được cảm thông.
Những câu chuyện đó không chỉ hay mà còn đẹp, đẹp trong từng góc quay trong từng chi tiết được lựa chọn. Vẻ đẹp này không chỉ đến từ những phong cảnh hữu tình mà còn đến từ những nét đẹp văn hóa được khéo léo đưa vào như một nhân vật kết nối xuyên suốt bộ phim. Chắc không ít người có đôi lúc giật mình chợt nhận ra hàng cây trước cửa nhà, hay con đường đến trường mỗi sáng thường đi qua, những gánh hàng rong quen thuộc, hay góc phố nơi ta thường hẹn hò. Cũng có không ít lần ta rưng rưng theo từng câu hò miền sông nước, miệng lẩm bẩm theo từng câu vọng cổ “Đường dù xa ong bướm, xin đó đừng phụ nghĩa tào khang”. Có những lúc ta lại mơ màng trong những miền ký ức của tuổi thơ chợt ùa về, nơi đó có cắt cỏ chăn trâu, có những mơ mộng được gửi gắm theo những cánh diều cao vút. Chưa bao giờ lại thấy đất nước tôi đẹp đến như vậy, một vẻ đẹp không lộng lấy hoành tráng, không uy nghiêm diễm lệ mà thân thuộc gần gũi, ấm áp tình người.
Tại lễ trao giải Cánh diều vàng vừa diễn ra trong thời gian qua, những cái tên được xướng lên trong hạng mục cao nhất cũng chính là những cái tên đã làm mưa làm gió tại các rạp chiếu phim trên toàn quốc. Điều này một lần nữa cho thấy khoảng cách đang dần thu ngắn lại giữa tính nghệ thuật và tính quần chúng, công nhận những nỗ lực chuyển mình của nền điện ảnh nước nhà. Điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ này được ví như một chàng lãng tử phong tình, đẹp về mặt hình thức, có chiều sâu về mặt nội dung, tuy vẫn còn đâu đó những mông lung trong việc xử lý tình huống một cách tinh tế và sắc bén, nhưng dư âm về mặt cảm xúc đọng lại trong lòng khán giá là không thể chối cãi.
Có lẽ con đường phía trước còn dài, và giấc mộng Oscar vẫn còn là một khát vọng quá lớn lao, nhưng biết đâu đấy, mọi sự phi thường đều bắt đầu từ những điều bình thường, và những nỗ lực từ những điều bình thường thì không bao giờ là tầm thường. Con đường dài thì đã có bước chân vững chãi, chẳng phải cứ đi là tới sao, nếu tim chưa mỏi sao phải dừng chân. Nhưng đó là câu chuyện của một tương lai không xa, còn hiện tại, tôi sẽ tiếp tục ủng hộ nền điện ảnh nước nhà, và tự hào tuyên bố rằng #PubertyChallenge của điện ảnh Việt Nam đã thành công xuất sắc.
—
Lê Tùng (Tạp chí Phái Mạnh – ELLE Man)