Khái niệm “Casting Couch” (Tạm dịch “thử vai trên trường kỉ”) hay còn có thể hiểu là việc “trao thân đổi vai diễn” là một thuật ngữ điển hình khi nói về văn hóa của ngành công nghiệp này kể từ khi khái niệm “hệ thống ngôi sao Hollywood” (ngôi sao trực thuộc quản lý độc quyền của những xưởng phim) bắt đầu từ những năm 30s, 40s. Nhưng vốn dĩ hiện tượng “tình – tiền” này đã tồn tại khá lâu trước đó, một bài viết trên Photoplay Magazine có từ năm 1920 đã phản ánh về tình trạng phụ nữ ở Hollywood không được trân trọng và có nhiều cơ hội trong nghề nghiệp trừ khi họ chấp nhận “trao thân” cho những nhà sản xuất, ông chủ các hãng phim, những đạo diễn, hoặc những ngôi sao điện ảnh nam có sức ảnh hưởng.
Hầu hết mọi diễn viên vang danh mà chúng ta biết đến từ xưa đến nay, vả cả những người không tên tuổi, đều chịu đựng hoặc chấp nhận tình trạng quấy rối và lạm dụng tình dục. Chỉ một số ít dám lên tiếng, phần đông còn lại thì không. Vấn nạn quấy rối và lạm dụng tình dục tại Hollywood cứ thế diễn ra “êm đềm” trong lịch sử phát triển của nó, cho đến tận ngày hôm nay.
Alicia Malone, một ký giả đồng thời là nhà phim sử học, đã chỉ ra được sự “kế thừa văn hóa lạm quyền để thỏa mãn dục tính” giữa những “kẻ săn mồi” nhiều quyền lực tại Hollywoodtrong thời gian gần đây với những “kẻ săn mồi” ở những thời kỳ trước. Trong cuốn sách Backwards and in Heels: The Past, Present And Future Of Women Working In Flim vừa được ra mắt hồi tháng 8 vừa qua, cô truy ngược về lịch sử của những nữ diễn viên tại Hollywood, đặc biệt xoáy sâu vào việc họ bị nhìn nhận và đối xử tại thời kỳ Hoàng Kim của Hollywood. Những điều được cô tiết lộ cho chúng ta thấy một sự nối tiếp “văn hóa khủng khiếp” vẫn ầm thầm tồn tại bên cạnh ánh hào quang xuyên suốt chiều lịch sử của Hollywood.
Cán cân quyền lực giới tính của Hollywood thay đổi từ sau thời kỳ “Đại Suy Thoái”
Trong cuốn sách của mình, Alicia Malone từng chia sẻ rằng vào thời kỳ sơ khai của nền điện ảnh Hoa Kỳ từ những năm 1890s cho đến tận giữa những năm 1920s, phụ nữ có rất nhiều cơ hội, nhiều sân chơi tranh đua bình đẳng với nam giới. Họ sản xuất phim ảnh, đóng phim, sản xuất nội dung, và trở thành những người có sức ảnh hưởng lớn. Thời kỳ đó, nữ giới có không gian tự do sáng tạo vì điện ảnh khi ấy đơn thuần là thánh địa của những nỗ lực sáng tạo nghệ thuật, yếu tố doanh thu chưa bị đặt nặng.
Nhưng bắt đầu cuối thập niên 20s và đỉnh điểm trong thập niên 30s, nhiều sự kiện diễn ra đã thay đổi cán cân tại Hollywood. Thời kỳ “Đại Suy Thoái”, nghệ thuật thứ 7 dần bị bắt buộc phải là thứ nghệ thuật của kinh doanh, thứ nghệ thuật phải đẻ ra tiền. Hollywood bắt đầu hình thành nên hệ thống phim xưởng (studio), và những ngân hàng cho các studio vay tiền làm phim cảm thấy không tin tưởng phụ nữ có thể đem lại lợi nhuận, do đó các studio bắt đầu tìm kiếm nguồn nhân lực là nam giới. Những nguồn đầu tư cảm thấy họ có thể tin tưởng đàn ông trong việc vận hành kinh doanh, đong đếm những cơn số hiệu quả hơn là những phụ nữ, những người bị đánh giá là quá thiên về nghệ thuật và sáng tạo.
Bắt đầu từ những năm 1930s, ngành công nghiệp điện ảnh thay đổi mạnh mẽ và chỉ còn đúng một nhà làm phim nữ còn hoạt động, đó là Dorothy Arzner. Kể từ đó trở đi, bất cứ khi nào nữ giới cố gắng quay trở lại vị trí ban đầu thì Hollywood đã thực sự trở thành thế giới riêng của nam giới. Sự mất cân đối trong cán cân quyền lực đã hình thành nên một văn hóa cho phép sự quấy rối, lạm dụng tình dục và phân biệt giới tính trở thành những cơ sóng ngầm – âm thầm nhưng diễn ra mạnh mẽ.
Quyền lực tối thượng, tha hóa tận cùng
Những người đứng đầu các studio được xem như những kẻ thâu tóm và chia sẻ toàn bộ quyền lực tại Hollywood với nhau. Họ có thể bật đèn xanh cũng như cấm vận một diễn viên nào đó. Vào thời điểm hoàng kim của hệ thống xưởng phim vào thời kỳ Đại Suy Thoái, diễn viên phải tuân thủ các điều khoản khắc nghiệt của hợp đồng cũng như phải lệ thuộc hoàn toàn vào một xưởng phim nào đó. Các diễn viên bị “trao đổi” và bị “thương thuyết” giá cả trên các bảng hợp đồng giữa các xưởng phim với nhau mà họ không có quyền nói một câu nào, họ chỉ là những con cờ trong cuộc chơi giữa những con quỷ hút máu, và dĩ nhiên “hút tình”.
Sẽ có những người như Louis B.Mayer (chủ của MGM Studio), người có quyền lực khủng khiếp bao trùm lên tất cả xưởng phim khác lẫn việc phê duyệt nội dung sản xuất hay như Harry Kohn (chủ của Columbia Pictures) cũng có quyền hạn tương tự. Quyền lực càng to lớn, tha hóa càng mạnh mẽ. Có rất nhiều tên tuổi lớn sử dụng quyền lực của mình theo nhiều cách. Một trong số đó là “casting couch” nơi phụ nữ hoặc đàn ông phải phục vụ tình dục cho những ông trùm để được giao cho những vai diễn cũng như cơ hội thăng tiến.
Casting Couch, một phần văn hóa của thế giới ngầm Hollywood
Qua thời gian cả Hollywood bị bao trùm trong quyền lực đủ dài để những tiếng nói yếu ớt nêu lên vấn nạn cũng có thể bị xem là “làm màu” hoặc muốn một vé đến đường cùng của sự nghiệp. Những cuộc trao đổi thân xác tự nguyện hay lạm dụng tình dục dần trở thành một luật bất thành văn nếu muốn thăng tiến tại kinh đô điện ảnh thế giới, nhưng rất khó để chỉ ra những gì đã diễn ra. Alicia Malone nói rằng “trong những cuộc điều tra để viết sách, tôi đã lùng sục khắp những câu chuyện cũng như những tin đồn, nhưng mọi manh mối đều dẫn đến ngõ cụt, mọi thứ vẫn nằm trong vòng bí mật. Nhưng cũng có những trường hợp công khai được tôi tìm thấy trong những tài liệu, ví dụ như Rita Hayworth, một trong những nữ minh tinh hàng đầu của những năm 40s. Chồng của cô ấy là một kẻ lạm dụng và khát khao tiền bạc. Hắn “dâng hiến” cô cho Harry Kohn (chủ xưởng phim Columbia Pictures), nhưng Rita đã nói không, và khi đó Harry thề rằng sẽ hủy hoại sự nghiệp của cô bằng mọi cách hắn có thể”.
Những tiếng kêu thán yếu ớt
Rita Hayworth chỉ là một ví dụ kinh điển của những phụ nữ muốn lên tiếng về nạn lạm dụng tình dục trong ngành công nghiệp Hollywood nhưng đều thất bại. Cô ấy cũng sống trong sự sợ hãi đối với Harry suốt phần lớn sự nghiệp của mình.
Một ví dụ khác “kinh điển” hơn chính là những tin đồn về Marilyn Monroe bị “sang tay” bởi hầu hết những kẻ có thế lực tại Hollywood vào thời kỳ đó, Marilyn cũng từng đau đớn thừa nhận rằng Hollywood chẳng khác gì một nhà thổ khổng lồ. Hay như cố nữ diễn viên Shirley Temple, từng là nữ hoàng nhí phòng vé từ năm 1935 đến 1938, đã từng chia sẻ rằng một nhà sản xuất đã phô bày thân thể trước mặt Shirley khi cô chỉ mới là một cô bé 12 tuổi. Hay như Tippi Hedren, người từng bị đạo diễn thiên tài của dòng phim kinh dị Alfred Hitchcock lạm dụng trong những buổi làm việc.
Hiếm khi nào những nạn nhân dám lên tiếng vì những việc xảy ra, họ lo sợ những gì mà một ông trùm của Hollywood có thể làm. Hay gần đây nhất là sự việc của Harvey Weinstein, nó rúng động bởi số lượng người liên quan nhưng “kịch bản” vẫn vậy. Điều khác biệt lớn ở đây chính là tiếng nói và vị thế của những nạn nhân nữ, nó mạnh mẽ và tạo nên một làn sóng thật sự chứ không còn yếu ớt và dễ dàng bị vùi dập, điều chưa từng xảy ra trước đây tại Hollywood. Nhưng liệu làn sóng mạnh mẽ hiện tại đủ để chấm dứt triệt để tình trạng lạm dụng tình dục tại nơi đây?
Những mất mát đáng buồn, sự giải thoát duy nhất khỏi thực tại
Nạn nhân yếu ớt không chạy thoát khỏi thực tại đầy mảng tối tại Hollywood, nhiều sự vụ đáng buồn đã diễn ra trải dài suốt lịch sử đầy hào quang của Hollywood như lạm dụng thuốc kích thích, sống buông thả trượt dài hay tệ hơn là tìm đến cái chết. Marilyn Monroe, minh chứng của thời đại. Tuổi thơ bị ngược đãi, rồi sau đó hào quang của Hollywood cũng không cứu cô khỏi số phận tượng tự khi trở thành một ngôi sao. Được mệnh danh là nữ minh tinh mà bất cứ gã đàn ông nào cũng khao khát, nữ hoàng của khát khao, biểu tượng của ái dục thời đại… những nghệ danh phô bày đầy nhục cảm mà Marilyn chưa từng muốn thế. Cô muốn được nhìn nhận tài năng thật sự, nhưng kết cục vẫn không trải qua được nghịch cảnh và trút hơi thở cuối cùng bên những viên thuốc an thần. Hay như nữ diễn viên – ca sĩ tài danh Dorothy Dandridge, cô gái da màu xinh đẹp cố gắng vượt qua những vai diễn đầy định kiến về màu da của mình, hay muốn phá vỡ những rào cản về chủng tộc. Nhưng đến cuối cùng đó chỉ mãi là ước mơ khi cô “ra đi” một cách bí ẩn vào tuổi 42.
Những cuộc trao đổi thân xác và vai diễn vận hành như một phần của guồng máy công nghiệp phim ảnh bị chi phối bởi những chóp bu quyền lực trong suốt những năm 60s, 70s và thậm chí tới tận bây giờ. Có lúc, hy vọng đã lóe lên khi cuối cùng phụ nữ cũng giữ được những vị trí quan trọng tại Hollywood từ những năm 80s, nhưng đó chỉ là số ít trong lãnh địa của những gã đàn ông quyền lực. Dù rằng qua sự việc Harvey Weinstein vừa qua đã thấy được vị thế đã dần thay đổi, nhưng chặn đường để thanh lọc vấn nạn này còn cả một quãng đường rất rất dài phía trước.
Thời đại của những bản hợp đồng “hút máu” đã qua, nhưng…
Và đã qua rồi thời đại ngôi sao là những “món đồ chơi” độc quyền sở hữu của các xưởng phim, những bản hợp đồng “hút máu” cũng không còn nhưng điều đó không có nghĩa tình trạng lạm dụng tình dục trong ngành công nghiệp Hollywood thuyên giảm. Thời đại của những công ty trung gian (agency) bắt đầu, chúng trở thành cầu nối giữa các nhà làm phim và diễn viên. Việc đâu lại hoàn đó, những kẻ môi giới, nhà sản xuất… vẫn giữ những quyền lực nhất định. Những cô gái hay chàng trai trẻ tuổi ôm ấp ước mơ dấn thân thành sao ở bộ môn nghệ thuật thứ 7 đều phải bước qua cánh cửa những công ty trung gian, và rồi muốn có được những vai diễn quan trọng phải được những nhà sản xuất, những đạo diễn chú ý…. Điều này khiến văn hóa “casting couch” vẫn cứ thế mà tiếp diễn.
Lạm dụng tình dục vẫn là một vấn nạn nhức nhối và chưa có hướng giải quyết triệt để tại Hollywood. Có thể sự vụ Harvey Weinstein là một bước tiếng lớn của một nữ quyền, của một công lý bất khuất trước cường quyền, nhưng đó chỉ là khi “giọt nước tràn ly” với một danh sách dài trước đó. Phụ nữ đã dần có vị thế hơn trong ngành công nghiệp phim ảnh, nhưng qua sự việc ta vẫn thấy được vẫn còn rất nhiều kẻ bao che và chịu thỏa hiệp im lặng trước cái ác. Môt Harvey Weinstein có thể bị phơi bày nhưng đó chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm. Và chừng nào những tiếng kêu cứu vẫn còn đơn độc, chừng nào những người khác vì danh tiếng và sự nghiệp mà thỏa hiệp với cái xấu thì sẽ còn nhiều Harvey khác được tạo ra.
—
Bài: Đức Nguyễn (Tạp chí Phái Mạnh ELLE Man, tham khảo: Backwards and in Heels: The Past, Present And Future Of Women Working In Flim)