Nhạc sĩ Dương Thụ – Gia đình âm nhạc của tôi

Bài

Trong gia đình âm nhạc của nhạc sĩ Dương Thụ có cả thảy 10 người “cháu”: trong đó đến 5 người là ca sĩ: Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Nguyên Thảo, Bằng Kiều; cùng 3 nhạc sĩ: Quốc Trung, Anh Quân, Huy Tuấn là “cháu ruột”, thêm 2 ông “cháu họ” Tùng Dương, Trọng Tấn và một người “em” Bảo Chấn.
Nhạc sĩ Dương Thụ cùng những người cháu trong gia đình âm nhạc của mình
Nhạc sĩ Dương Thụ cùng những người cháu trong gia đình âm nhạc của mình: Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Nguyên Thảo và Trọng Tấn

 

1. Thể nào bạn cũng thắc mắc “Những câu chuyện kể của tôi” sẽ là những câu chuyện gì?

Bằng âm nhạc để kể chuyện mình, dĩ nhiên rồi. Những câu chuyện ấy buồn vui lẫn lộn, thường là vui ít buồn nhiều. Bà chị dâu tôi bảo “nhạc của cậu nghe buồn lắm”, bởi bà ấy hay nghe Bóng tối ly cà phê. Nhưng Lắng nghe mùa xuân về thì sao? “Thoạt nghe tưởng có vẻ vui, nhưng hóa ra lại man mác buồn đấy”. Chị ấy đã đúng. Nhưng bạn đừng lo, thoáng buồn thôi chứ không “sầu thê thảm” đâu. Tôi là một người khỏe mạnh, cao 1m80, nặng 85kg lại ưa thích hoạt động, nhất là các hoạt động có tính cơ bắp như… làm vườn, dọn dẹp nhà cửa, tranh đi chợ với vợ… Kiểu người như thế làm sao mà thê thảm được.

Nhưng kể về cái gì? Xin thưa: Kể về cây cối (“Đồi thông nghiêng xa mờ, vẩn vơ bông liễu đỏ”), về hoa cỏ (“Đóa tầm xuân, vẫn ngủ trong hoang dại”) về chim chóc (“Con chim nghiêng nghiêng trong nắng, vỗ cánh bay vào này xanh thắm”) có khi cả tiếng hót của chúng (“Nghe trong mưa họa mi vẫn hót thật dịu dàng, dịu dàng”), rồi còn kể về thời tiết (“Đểthương áo len cài vội một chiều đông rét mướt”), về mưa (“Mưa đi rồi, đi xa rồi, mưa để tiếng lại”), về nắng (“Một ngày nắng, một ngày xanh nắng”). Ồ! Kể gì mà kỳ cục vậy? Những “cái kỳ cục” kể về tâm hồn tôi đấy, về những giấc mơ, những ước muốn thầm kín, những xao xuyến, những choáng ngợp mà tôi không thể nói bằng lời.

2. Thể nào bạn cũng thắc mắc “Những câu chuyện kể của tôi” có phải tôi sẽ ra sân khấu kể chuyện mình trước mỗi bài hát không?

Xin thưa Những câu chuyện kể của tôi, tôi không tự kể, người kể chuyện là những nhân vật trong “gia đình âm nhạc của Dương Thụ”. “Gia đình âm nhạc của tôi” trong chương trình này cả thảy có mười người “cháu” trong đó có năm ca sĩ (Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Nguyên Thảo, Bằng Kiều) cùng ba nhạc sĩ (Quốc Trung, Anh Quân, Huy Tuấn) là “cháu ruột”, thêm hai ông “cháu họ” (Tùng Dương, Trọng Tấn) và một người “em” (Bảo Chấn). Kể hết về họ thì dài lắm. Lần này chỉ xin tạm kể về bốn “cô cháu” thôi.

Hồng Nhung, người gắn bó với tôi sớm nhất, lúc mới 15 tuổi. Ra Hà Nội làm chương trình cho nhà hát Tuổi Trẻ, khi đi kiếm giọng hát tăng cường, tôi phát hiện ra Nhung. Nghe cháu hát Papa lúc “hầu rượu” bố và các bác, tôi thật sự xúc động. Kinh ngạc về chất giọng ngây thơ, dầy mà trong trẻo giống như cô Susan Boyle, Idol Anh quốc bây giờ, loại giọng như thế ở Việt Nam thời ấy là cực kỳ hiếm. Nhung đoạt Huy chương vàng Hội diễn chuyên nghiệp. Vào đoàn Ca nhạc nhẹ Trung ương, cháu hát lại những bài tôi viết riêng cho Lệ Quyên mà cô ấy đã biểu diễn rất thành công (Hơi thở mùa xuân, Tiếng sóng) và bài diva này bỏ dở vì sang định cư ở Pháp (Họa mi hót trong mưa). Hát lại, nhưng cháu đã biến những bài ấy thành bài của mình.

Nhung thường bảo “chú Thụ rất ngây thơ”, “cứ hát đúng như những gì chú viết, đừng thêm thắt gì cả là được”. Đấy là sự đồng cảm hiếm có. Năm 1994 tôi quay về Hà Nội sống, tâm hồn nặng trĩu. Tôi muốn bỏ âm nhạc lên Núi Chè (Bắc Ninh) ở cho đến cuối đời. Lúc ấy, thỉnh thoảng cháu ra Hà Nội gặp tôi. Có lần với một vẻ nghiêm túc, Nhung bảo: “Khi nào cháu không hát được nữa, cháu sẽ chuyển sang sản xuất âm nhạc, sản xuất nhạc của chú, nhạc chú hay mà”. Rồi có lần Nhung gọi điện thoại kêu tôi vào TP. Hồ Chí Minh để nghe cháu hát bài Cho em một ngày (“Thành công vang dội chú ạ, lần nào hát xong họ cũng bis đòi hát lại”). Rồi “bài Vẫn hát lời tình yêu hay thế mà Linh nó hát không được”, cháu ra lệnh “gửi bản nhạc vào cho cháu ngay”. Nhung làm tôi cảm thấy ấm lòng, quay lại nơi từng sống cái quãng đời vất vả và đau buồn. Tôi gắn bó với cháu nhiều hơn. Giúp cháu làm liveshow, viết nhạc cho cháu. Cháu thu âm rất nhiều bài của tôi, hát rất hay trong những album Nghe mưa 1&2, Bài hát ru cho anh, Đêm xanh, Ngày không mưa, Khu vườn yên tĩnh.

Mỹ Linh thì tôi phát hiện ra trong Liên hoan nhạc nhẹ toàn quốc năm 1993 tại Đà Nẵng. Tôi nhìn thấy ở cháu phẩm chất của một ngôi sao, nên đề nghị tặng cháu giải Ca sĩ trẻ. Năm ấy khi về Hà Nội, ở ngã tư Hàng Bài – Hàng Khay, đột nhiên nghe thấy tiếng reo: “Chú Thụ!”. Đấy là Mỹ Linh xe đạp, tóc ngắn thật dễ thương đang dừng xe lại trước đèn đỏ. Ân tượng này tôi đã chuyển vào trong lời bài hát Tóc ngắn. Hai năm sau tôi viết riêng cho Mỹ Linh bài Vẫn hát lời tình yêu, nhưng cháu chưa đủ tự tin để hát nhạc của tôi nên Hồng Nhung và Thanh Lam xin hát và họ đã biến nó thành bài hit thời đó. Chỉ khi Mỹ Linh tham gia Ban nhạc Anh Em, cháu mới trở thành ca sĩ nhạc nhẹ thực thụ. Và các album riêng (Tóc ngắn, Made in Viet Nam, Chat với Mozart) cháu hát thành công những gì tôi viết (bài của tôi, lời tôi viết cho Anh Quân, Huy Tuấn và các tác giả cổ điển). Trong âm nhạc, tôi rất yêu quý cháu và cũng nghiêm khắc với cháu và cũng không chỉ có chuyện nhạc, còn những chuyện riêng tư, đặc biệt là chuyện gia đình.

3. Còn Nguyên Thảo và Thanh Lam?

Nguyên Thảo tôi đã có bài viết riêng đăng trên / báo Tuổi Trẻ. Cháu là người đến với tôi muộn nhất, bé bỏng, hiền hậu và dụt dè. Sự yếu thế làm tôi thương cháu rất nhiều và đã làm riêng cho cháu một album. Thảo làm nghệ thuật như tôi kỳ vọng. Cháu hát mỗi ngày một hay. Không ai coi cháu là diva, nhưng với tôi cháu hoàn toàn có thể đứng bên cạnh Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam. Cháu là niềm tự hào của tôi.

Thanh Lam gắn bó với tôi từ rất sớm, chỉ sau Hồng Nhung vài năm. 1989 thu âm album Em đi qua tôi {chung với Phú Quang), Lam không nắm được tiết tấu trong những bài tôi viết, khi thu phản ứng ra mặt: “Chú viết cứ giật, giật như Tây ấy, ai mà hát được”. Tôi thất vọng lắm, bỏ ra ngoài phòng thu. Quang khéo hơn tôi, vỗ về Lam: “Cháu học đàn dân tộc mà, ông Thụ viết giống như tiết tấu chèo, cứ hát thế là được”. Tết về Hà Nội, Lam mời xuống nhà ăn cơm, cháu có vẻ ân hận vì thấy mình sai. Chú cháu tôi thân thiết với nhau từ đó. Và cùng với Quốc Trung bọn tôi trở thành một ê-kíp. Lam hát rất nhiều bài của tôi trong các liveshow của mình và là người hát đầu tiên nhiều bài sau này được các ca sĩ khác hát lại và trở thành những bài hit: Bài hát ru cho anh, Cho em một ngày, Đánh thức tầm xuân, Bay vào ngày xanh, Gọi anh. Đỉnh cao nhất trong việc kết hợp chú cháu tôi là album Mây trắng bay về. Sau album ấy Lam đi một con đường khác, nhưng năm 2G11 với chương trình Cầm tay mùa hè cháu đã trở lại “gia đình âm nhạc của mình”, hát nhiều bài của chú Thụ và Quốc Trung. Cầm tay mùa hè vừa rồi, Lam giục tôi đi xem: “Cháu hát bài mới chú viết cho cháu, cháu đã khóc đấy” {bài Bài hát ru ngày nắng). Ngày 1/9/2G12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, chương trình Khởi nguồn, trong phần trình diễn của mình với ban nhạc Nguyên Lê, mở đầu Lam hát Mây trắng bay về của tôi. Thế là mây trắng đã bay về, nó không còn lang thang nữa. Tháng trước, Lam nhắn “chú viết ngay cho cháu bài dài dài một chút, thật dữ dội, về đất nước mình để cháu làm đĩa với anh Nguyên Lê”. Viết xong, lại “bài về người cha, nhưng thật hiện đại đấy nhé”. Cô cháu luôn miệng hiện đại mà nhiều khi rất ẩu, vẫn hát những bài cũ ơi là cũ “nhạc xưa ấy mà, khán giả thích nghe lắm”.

Các cô cháu tôi là thế…

Bài Dương Thụ – Ảnh Ngô Nhật Hoàng – Tổ chức Hường Vũ

 

xem thêm

No more